Theo thống kê của cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp trong Quý I/2020, cả nước có 29.711 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Đây là một trong những mức gia tăng số doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất của Quý I giai đoạn từ 2015-2019 (so với mức tăng trung bình là 10,9%). Có 6 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2019, đặc biệt là các ngành: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 22,5%); Hoạt động dịch vụ khác (giảm 12,2%) và Kinh doanh bất động sản (giảm 11,9%). Điều này cho thấy những ảnh hưởng đang ngày một rõ rệt của dịch viêm phổi cấp Covid-19 đến tình hình đăng ký doanh nghiệp trong nước.
Khi chỉ có 16 bệnh nhân đầu tiên mắc Covid-19 tại Việt Nam, trong 02 tháng đầu năm 2020, tình hình doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động vẫn đang có chiều hướng tốt, cụ thể: số doanh nghiệp thành lập mới tăng 9,1% và về số vốn đăng ký tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong tháng 3 năm nay đã làm ảnh hưởng toàn diện đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó, cộng đồng doanh nghiệp là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Có thể thấy tinh thần khởi sự kinh doanh của doanh nghiệp thời điểm này đã bị ảnh hưởng đáng kể. Tâm lý của các nhà đầu tư chịu tác động lớn bởi tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều người tỏ ra e ngại và thận trọng trong việc bỏ vốn thành lập doanh nghiệp do lo lắng về việc
phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh và đứt gãy một số chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào cũng như tiêu thụ đầu ra của sản phẩm. Đây là điều đáng lo ngại trong bối cảnh hiện nay, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Bên cạnh đó, tình hình doanh nghiệp doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong quý I năm 2020 cũng thể hiện rõ xu hướng của doanh nghiệp hiện nay, đó là tâm lý nghe ngóng, chờ đợi, “đóng băng” hoặc đưa doanh nghiệp vào tình trạng “ngủ đông” để xem xét tình hình tiến triển của dịch bệnh, rồi quyết định tiếp tục kinh doanh, chờ giải thể hay giải thể doanh nghiệp ở thời điểm này. Điều này thể hiện ở sự gia tăng mạnh về số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn và giảm về số doanh nghiệp giải thể, chờ giải thể.
Là nền kinh tế đang hội nhập quốc tế sâu rộng, có độ mở lớn và liên kết chặt chẽ về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động,... với thế giới, giống như các nước, Việt Nam đã và đang bị ảnh hưởng toàn diện tới nền kinh tế, cùng lúc chịu tác động kép, cả từ phía cung và cầu, tác động đến tất cả các thị trường đầu ra và thị trường đầu vào chủ lực, cả sản xuất và tiêu dùng, trong đó, cộng đồng doanh nghiệp là đối tượng bị ảnh hưởng rõ ràng nhất, sức ép về cạnh tranh, thanh lọc ngày càng lớn. Trong khi đó, trình độ kỹ thuật, công nghệ, hệ thống điều hành, quản trị của các doanh nghiệp nước ta nhìn chung còn hạn chế. Do vậy, khi gặp phải cú sốc kinh tế do COVID-19 gây ra, nhiều doanh nghiệp đã "chao đảo".
Tuy nhiên, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp nhìn rõ những điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp mình, rà soát lại định hướng hoạt động, cơ cấu quản trị, tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, bởi rủi ro luôn song hành cùng cơ hội. Sau khi chúng ta dập tắt được dịch bệnh, các doanh nghiệp nhạy bén sẽ chuyển trạng thái từ "đóng băng" sang nắm bắt ngay những thời cơ mới để phát triển.
Theo dự báo, dịch Covid-19 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình phát triển doanh nghiệp thời gian tới. Tổng cục Thống kê cũng đã cập nhật 2 kịch bản khác nhau được xây dựng dựa trên những dự báo về tình hình dịch bệnh, theo đó dịch Covid-19 có thể sẽ kéo dài tới hết quý II, thậm chí là quý III năm 2020
Do nền kinh tế nước ta phụ thuộc rất nhiều vào bên ngoài, trong khi các nước đối tác lớn đều đang đóng cửa thương mại, biên giới để ưu tiên phòng tránh dịch bệnh, vì vậy, với cả 2 kịch bản này, các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 sẽ khó có thể thu hút được các doanh nghiệp mới trong khi các doanh nghiệp đang vận hành cũng đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động do doanh thu không đủ bù đắp chi phí hoạt động, sản xuất, nhất là trong trường hợp dịch kéo dài tới hết quý III.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục nghe ngóng, trông chờ các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, cũng như tình hình kiểm soát dịch bệnh. Có thể nói, tình hình đăng ký doanh nghiệp khởi sắc hay không phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm nước ta khống chế hoàn toàn được dịch Covid-19./.