Suy tĩnh mạch –căn bệnh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của phụ nữ

Lã Thị Thúy Hằng
Với phái nữ, có một đôi chân nuột nà, thu hút ánh nhìn người xung quanh luôn là niềm mong ước của nhiều người. Vì vậy, nhiều chị em đã chọn lựa kiểu giày cao gót đắt tiền nhằm tạo nên dáng đi chuẩn mực. Trong khi mải chăm sóc vẻ đẹp bên ngoài, các chị em quên mất rằng, việc thường xuyên đứng quá lâu, nhất là với giày cao gót, cũng là một trong những nguyên nhân khiến tĩnh mạch suy giãn.

Suy tĩnh mạch mạn tính nặng có thể dẫn tới mất chi hoặc tử vong

Trước đây, giãn tĩnh mạch được coi là một vấn đề thẩm mỹ chỉ ảnh hưởng tới cảm giác thoải mái của người bệnh chứ không phải là nguyên nhân gây ra tàn tật. Tuy nhiên, bệnh suy tĩnh mạch mạn tính nặng có thể dẫn tới mất chi hoặc tử vong.

BSCKII Đỗ Hữu Nghị - Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện đa khoa Hà Đông cho biết: Bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chi dưới thường gặp ở người trên 50 tuổi, đôi khi xuất hiện cả ở những người trẻ tuổi hơn. Khi chức năng đưa máu trở lại tim của hệ thống tĩnh mạch chi dưới bị suy giảm, dẫn đến tình trạng máu ứ đọng và gây biến dạng mô xung quanh, hình thành bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Bệnh gây ra những biến chứng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày.

"Suy giãn tĩnh mạch chi dưới tương đối phổ biến nhưng triệu chứng lại dễ nhầm lẫn với viêm khớp, đau khớp chân, đau thần kinh cơ dẫn đến việc điều trị không hiệu quả. Lâu dần, suy giãn tĩnh mạch chi dưới còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như những vết loét lâu ngày có thể nhiễm trùng và chảy máu, thậm chí là hình thành huyết khối trôi về tim, gây tắc động mạch phổi dẫn đến tử vong. Vì vậy, ngay khi phát hiện, bệnh nhân cần phải đến khám và điều trị kịp thời theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa" – BS. Nghị tư vấn.

Tại nhiều nước trên thế giới, các bệnh lý tĩnh mạch luôn được ngành y tế và xã hội quan tâm vì mức độ phổ biến cao. Trong đó, suy giãn tĩnh mạch là bệnh ai cũng có thể mắc phải, nhất là phụ nữ, do đặc thù yếu tố về nội tiết tố hay nghề nghiệp cá nhân như nghề giáo viên, bán hàng ở siêu thị và ngay cả những người nội trợ… vốn cần phải đứng lâu, nhưng mang giày dép không phù hợp. Một báo cáo cho biết, 70% số lượng bệnh nhân mắc suy giãn tĩnh mạch chi dưới là ở “phái đẹp”, tuy nhiên, bệnh vẫn chưa được nhiều chị em quan tâm đúng mức.

Theo thống kê trong một nghiên cứu của Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, số lượng bệnh nhân trước đó chưa từng biết bệnh tĩnh mạch lên đến 77,6%, để đến khi phát bệnh, các chị em lại ngỡ ngàng. Điều này khiến không chỉ nếp sống sinh hoạt, công việc hàng ngày của chị em bị ảnh hưởng mà cả thẩm mỹ đôi chân cũng bị đe dọa.

Suy giãn tĩnh mạch là căn bệnh do chức năng của thành mạch và các van của tĩnh mạch bị suy yếu, máu không thể trở về tim dễ dàng mà bị ứ lại ở các tĩnh mạch chân, tạo nên phản ứng viêm tại tĩnh mạch. Theo cơ chế hoạt động thông thường, khi bước đi, bàn chân chạm đất tạo nên áp lực, đẩy máu từ tĩnh mạch gan bàn chân lên trên.

Ngay lúc đó, cơ co lại, tạo thành lực ép, đẩy một phần máu lên phần trên của cơ thể, thêm vào đó nhờ cơ hoành máu sẽ được hút về tim nhờ lực hút tạo ra khi người hít thở. Giữa các lực hút và đẩy trên, máu được giữ lại cố định trong khoảng thời gian ngắn mà không chảy ngược xuống dưới là nhờ vào hệ thống van trong lòng tĩnh mạch.

Nếu quá trình trên gặp trục trặc, máu sẽ bị ứ đọng ở chân, về lâu dài gây ra tình trạng giãn tĩnh mạch vùng chân. Bạn sẽ thấy tĩnh mạch nổi lên ngoằn ngoèo, chân bị phù nề, sưng tê, thường xuyên có cảm giác như kiến bò dọc cẳng chân, và thường bị chuột rút vào ban đêm.

Bệnh suy giãn tĩnh mạch gây ra những nguy hiểm khó lường

Cách phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Bệnh suy giãn tĩnh mạch không những làm mất thẩm mỹ mà còn có thể gây ra những nguy hiểm khó lường. Tuy nhiên chúng ta có thể phòng tránh bệnh một cách dễ dàng, chỉ cần thay đổi lối sống và điều chỉnh thói quen sinh hoạt, chẳng hạn:

- Không nên mang giày cao gót để tránh việc dồn trọng lượng cơ thể xuống hai bàn chân, gây áp lực lên các tĩnh mạch chân, nên chọn những đôi giày gót thấp vừa phải, da mềm.

- Nên mặc trang phục rộng rãi, thoải mái, tránh bó sát đặc biệt là ở chân, hông.

- Không nên ngồi xổm, đung đưa, vắt chéo chân gây cản trở máu lưu thông. Nên chọn ghế ngồi phù hợp, và kê cao chân khi nằm khoảng 20cm so với tim.

- Không nên ngồi lâu hay đứng lâu một chỗ, nên đi lại thường xuyên, giãn cơ để các tĩnh mạch không bị quá tải.

- Tập các bài tập nhẹ như chạy bộ, bơi lội, thể dục dưỡng sinh... để nâng cao sức khỏe và có lợi cho hệ thống tĩnh mạch chân.

- Hạn chế tắm nước nóng hay xoa bóp dầu nóng tại vùng da bị bệnh vì sẽ làm các tĩnh mạch giãn nở to hơn, bệnh sẽ càng nặng hơn.