Triển lãm "Di tích lưu niệm và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam và trên thế giới"

Phạm Hà Mi
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng xuất chúng, đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bác là người anh hùng giải phóng dân tộc được nhân dân Việt Nam và bè bạn trên khắp thế giới ngưỡng mộ với tấm lòng chân thành. 

Nằm trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022); kỷ niệm 35 năm tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tôn vinh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất (1987 – 2022), vừa qua, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức khai mạc Triển lãm "Di tích lưu niệm và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam và trên thế giới" mở cửa đến hết ngày 30/10.

4bv-1652899965.jpeg
Các đại biểu cắt băng khánh thành buổi triển lãm

Triển lãm với 2 phần: Di tích lưu niệm và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Nam và Di tích lưu niệm và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thế giới.
Triển lãm giới thiệu 200 ảnh, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những dấu ấn nổi bật trên chặng đường hoạt động cách mạng của Người cùng tình cảm của nhân dân trong nước và thế giới dành cho người Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.
Triển lãm khẳng định công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Đồng thời, thể hiện lòng thành kính tưởng nhớ, tri ân sâu sắc của nhân dân Việt Nam và tình cảm yêu mến, kính trọng của nhân dân thế giới đối với Người; minh chứng rõ nét Nghị quyết của UNESCO năm 1987: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng xuất chúng, đã "cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội"; đã có "đóng góp quan trọng về nhiều mặt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật".
Chia sẻ tại triển lãm, ông Đỗ Hoàng Linh - Phó Giám đốc phụ trách Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết: Việt Nam có khoảng 700 di tích, 30 tượng đài, quảng trường và hơn 100 công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các địa phương trong cả nước; Trên thế giới có 35 công trình, tượng đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trở thành nơi tổ chức các sự kiện văn hóa của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Những địa điểm ở các nước mà Người từng sống, học tập, làm việc hoặc đến thăm được đặt bia, khắc tượng đồng tưởng niệm. Nhiều quốc gia đã đặt tên công viên, trường học, đường phố, quảng trường, nhà máy, đội sản xuất, câu lạc bộ, vườn trẻ mang tên Người. Một số thư viện quốc gia, trường đại học quốc tế còn sáng tạo các hình thức xây dựng Không gian Hồ Chí Minh để trưng bày hình ảnh, ấn phẩm về cuộc đời, sự nghiệp của Người...

Trên thế giới, có thể kể đến: Tại Cuba, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng tại Công viên Hòa Bình cạnh Đại lộ 26, ở trung tâm Thủ đô La Havana, do kiến trúc sư Joel Diaz (Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam) thiết kế, được khánh thành vào năm 2003, nhân dịp 113 năm Ngày sinh của Người.

Ở Mexico, bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bên bộ bàn ghế mây giản dị, đằng sau phía trên là dòng chữ vàng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” bằng tiếng Tây Ban Nha với chữ ký của Người, đặt ngày 16/1/2009 trong Công viên “Tự do cho các dân tộc”, Thủ đô Mexico. Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Acapulco, thuộc bang Guerrereo (miền Nam Mexico) được đặt đối diện tượng đài người Anh hùng dân tộc Mỹ Latin Simon Bolivar, tại đại lộ Miguel Aleman, đại lộ chính và lớn nhất thành phố Acapulco.

2-bav-1652899965.jpeg
Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bên bộ bàn ghế mây đặt trong Công viên “Tự do cho các dân tộc”, Thủ đô Mexico

Tại Nga, Quảng trường và Tượng đài Hồ Chí Minh nằm ở nơi giao nhau giữa phố Dmitri Ulianov (anh trai nhà cách mạng V.I.Lenin) và phố “Sáu mươi năm Cách mạng Tháng Mười”, Moscow. Đây là tác phẩm của Vladimir Efimovich Tsigal, Nghệ sĩ Nhân dân, Viện sĩ Viện Hàn lâm Mỹ thuật Liên Xô, tác giả của hơn 40 nhóm tượng đài nổi tiếng. Đại lộ và Tượng đài Hồ Chí Minh tại quận Zasviyazhski, thành phố Ulyanovsk, quê hương Lenin, nằm bên bờ sông Volga, cách Thủ đô Moscow khoảng 893km về phía đông Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Vườn hoa Borisenko, thành phố Vladivostok (Liên bang Nga), khánh thành năm 2019. Viện Hồ Chí Minh và bức tượng của Người được đặt trong khuôn viên khoa ngữ văn, Đại học tổng hợp quốc gia St. Petersburg, khánh thành nhân dịp 120 năm Ngày sinh nhật Bác (19/5/2010).

1-bav-1652899965.jpeg
Tượng đài Bác Hồ ở quảng trường mang tên Bác ở thành phố Ulianovsk - quê hương của Lenin. (Ảnh: Tâm Hằng/TTXVN)

Tại Pháp, ngày 19/5/2005, chính quyền thành phố Montreuil đã dựng tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Không gian Hồ Chí Minh” tại Bảo tàng Lịch sử của thành phố (cách Paris khoảng 15km về phía Đông) là nơi lưu giữ những kỷ vật của Người trong thời kỳ sống tại Pháp. Đây là nơi cán bộ các cơ quan đại diện Việt Nam và kiều bào tại Pháp đến dâng hương tưởng nhớ Bác vào mỗi dịp 19/5, là nơi các đoàn cán bộ trong nước sang công tác đến bày tỏ lòng thành kính trước anh linh vị lãnh tụ đã hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Tại Singapore, bia tưởng niệm và Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công viên Bảo tàng Văn minh châu Á, bên bờ sông Singapore. Bia tưởng niệm được khánh thành tháng 5/2008 nhân kỷ niệm 118 năm Ngày sinh của Người và 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Singapore. Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh là tượng đài đầu tiên trong chương trình tôn vinh “Những người bạn đến bờ biển chúng ta” của Singapore, khánh thành năm 2011…