Sử dụng túi nilon tái chế gây nhiều nguy cơ cho người sử dụng

Lã Thị Thúy hằng
Các nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam đang nghiên cứu để tạo ra chất dẻo làm túi phối trộn 60% nhựa thông thường với 30% lượng tinh bột (thường là bột mỳ). Loại túi này chỉ mất 3-5 năm sẽ phân hủy được, không phải mất tới 500 năm như túi ni lông tái chế đang dùng. Dự kiến, sản phẩm này sẽ có giá cao hơn túi nilon và sẽ được sử dụng phổ biến trong tương lai.

Do sự tiện lợi và giảm thiểu diện tích đáng kể khi chứa trong tủ lạnh nên các bà nội trợ thường dùng những túi ni lông với đủ loại màu sắc mua ngoài chợ mang về nhà gói, bọc thực phẩm bảo quản trong ngăn mát, ngăn đá. Việc làm này liệu có gây mất an toàn thực phẩm?

a6-1691392399.jpg

Người dân nên chọn các loại túi không màu, có độ trong, bóng cao để sử dụng an toàn.Ảnh minh họa.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm cho biết, có hai loại túi ni lông, loại thứ nhất sản xuất từ 100% các hạt nhựa PV và PP nguyên sinh từ dầu mỏ nguyên chất. Loại túi ni lông sản xuất từ nhựa này sử dụng được.

Loại thứ hai là túi ni lông được làm từ các loại nhựa tái chế với đủ loại màu sắc, bán tràn lan trên thị trường với giá rất rẻ. Trong quá trình tái chế nhựa để sản xuất túi ni lông sẽ hấp thụ các kim loại nặng như chì, cadium... và không bảo đảm vệ sinh. Vì thế, nó không bảo đảm an toàn khi gói, bọc thực phẩm tươi sống đặt trong tủ lạnh, gây ra nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn và nhiễm kim loại nặng. Sử dụng túi ni lông tái chế để gói, bọc thực phẩm nói chung sẽ dẫn đến khả năng nhiễm khuẩn và thôi nhiễm chất độc vào thực phẩm, gây hại sức khỏe con người.

Do vậy, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, các bà nội trợ không nên sử dụng loại túi ni lông tái chế để đựng thực phẩm cũng như đặt vào tủ lạnh. Chỉ nên sử dụng màng bọc thực phẩm chuyên dụng, sạch có nguồn gốc rõ ràng, chứng nhận an toàn và các hộp chứa thực phẩm được sản xuất bằng nhựa đạt tiêu chuẩn, chất lượng để gói, bọc rau, thịt... cất trữ trong tủ lạnh. Lưu ý, không nên để thực phẩm sống lẫn lộn với thực phẩm chín bởi sẽ gây ra lây nhiễm chéo làm thức ăn nhanh ôi thiu.

T.Hằng