Sớm nhận biết dấu hiệu bệnh tay chân miệng để xử trí kịp thời

Lã Thị Thúy hằng
Những ngày gần đây, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng, trong đó có ca phải thở máy, lọc máu. Các bác sĩ nhận định, năm nay dịch bệnh tay chân miệng đến sớm hơn và xuất hiện nhiều ca bệnh nặng, nguy hiểm.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến ngày 12/6, toàn tỉnh ghi nhận trên 900 ca mắc tay chân miệng, không ghi nhận trường hợp tử vong. Những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày có từ 15 - 20 bệnh nhân tay chân miệng nhập viện.

Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, đang điều trị tích cực cho bệnh nhi L.G.H. (17 tháng tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước), bé bị sốt cao liên tục không hạ, thường xuyên giật mình trong lúc ngủ, chới với, thở nhanh, mạch nhanh.

Bác sĩ Trần Lê Duy Cường, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc cho biết, bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng mức độ nặng, được chỉ định truyền thuốc Gammar globulin nhằm kháng lại virus tay chân miệng. Tuy nhiên, tình trạng của bệnh nhi không thuyên giảm mà chuyển nặng hơn. Đồng thời, xuất hiện những cơn ngưng thở, mỗi cơn ngắn khoảng 3 giây kèm rung chi, ngồi không vững.

Do tình trạng bệnh diễn biến phức tạp, các bác sĩ quyết định đặt ống nội khí quản để ổn định thần kinh cho bệnh nhi. Tuy nhiên, 1 ngày sau khi được đặt ống nội khí quản, bệnh nhi vẫn sốt cao liên tục, mạch nhanh, huyết áp cao nên bác sĩ tiến hành lọc máu để thải những độc tố của virus tay chân miệng ra ngoài.

Đến ngày 3/6, bé H. đã giảm sốt, huyết áp, mạch về mức bình thường. Dự kiến 1 - 2 ngày tới, bệnh nhi sẽ được cai máy thở và tiếp tục theo dõi, điều trị cho đến khi bình phục hoàn toàn.

Bác sĩ Trần Lê Duy Cường cho biết, kể từ tuần cuối tháng 5 đến nay, trung bình mỗi ngày, Khoa tiếp nhận từ 1 - 2 ca tay chân miệng nặng được chuyển từ Khoa Bệnh nhiệt đới đến.

Tương tự, tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, đang điều trị trên 50 bệnh nhi, một nửa trong số đó là bệnh tay chân miệng. Số ca nhập viện do tay chân miệng tăng gấp 3 lần so với vài tuần trước đó.

Theo bác sĩ Hán Bình Thuận, Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, thường những năm trước, bệnh tay chân miệng vào mùa thường diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Năm nay, dịch bệnh đến sớm hơn, diễn tiến bệnh bất thường hơn, có nhiều ca bệnh nặng, cần phải theo dõi sát. Hiện nay, thuốc Gamma globulin dùng để điều trị tay chân miệng vẫn còn.Tuy nhiên, nếu trong thời gian tới số bệnh nhân mắc tay chân miệng tăng, đặc biệt gia tăng về số bệnh nặng sẽ dẫn đến căng thẳng trong vấn đề điều trị.

Theo bác sĩ Hán Bình Thuận, bệnh tay chân miệng có nhiều dấu hiệu để nhận biết phụ huynh cần nhớ như: trẻ sốt cao liên tục không hạ, tự dưng nôn ói, nhợn ói, run tay run chân, trẻ đi không vững, thở mệt. Một dấu hiệu đặc trưng là trẻ ngủ bị giật mình. Khi nhận thấy trẻ có những dấu hiệu trên, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được khám, điều trị kịp thời. Nếu xử lý chậm trễ, tình trạng bệnh có thể chuyển nặng như ngưng thở, tím tái.

Theo nhận định, trong thời gian tới, bệnh tay chân miệng sẽ tiếp tục tăng cao. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo những gia đình có con nhỏ dưới 5 tuổi, các điểm giữ trẻ cần đặc biệt lưu ý để thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh cho trẻ, tránh những hậu quả đáng tiếc. Trong đó, rửa tay là biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng quan trọng nhất. Ngoài ra, cần tăng cường vệ sinh đồ chơi cho trẻ, vệ sinh nhà cửa bằng xà phòng, dung dịch Javel hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường. Phụ huynh cần tăng cường bổ sung vitamin cho trẻ, nhất là vitamin C.