Tại Hội thảo Phòng chống ung thư Hà Nội năm 2022 vừa qua, do Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam và Sở Y tế Hà Nội tổ chức, GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết tới nay, ung thư vẫn luôn là mỗi quan tâm hàng đầu trên toàn cầu. Theo GLOBOCAN (một dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế), năm 2020 toàn thế giới có hơn 19 triệu ca mắc mới và gần 10 triệu ca tử vong do ung thư. Ước tính trên thế giới có khoảng 50,5 triệu người đang sống chung ung thư. Trong đó, 49% số ca mắc mới và 58% số ca tử vong đến từ châu Á.
Cũng theo số liệu của GLOBOCAN, năm 2020, Việt Nam có hơn 180 nghìn người mắc và 122 nghìn người tử vong do ung thư. Gánh nặng bệnh tật do ung thư gây ra tại Việt Nam ước tính đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1990, và các ca mắc mới ngày càng trẻ hóa theo thời gian. Tại Việt Nam, bình quân trong 100 nghìn người có 159 ca mắc mới 106 ca tử vong do ung thư. Nếu chúng ta lấy con số tử vong chia cho số ngày trong năm, mỗi ngày có 340 người tử vong vì ung thư.
"Kinh tế, cuộc sống càng phát triển, các bệnh không truyền nhiễm (đặc biệt là ung thư) ngày càng gia tăng. Nguyên nhân gây tử vong nhóm bệnh không truyền nhiễm (ung thư, tim mạch…) chiếm 74% nguyên nhân gây tử vong ở người.
Có thể thấy rằng tình trạng mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều đang tăng nhanh. Đây cũng là xu hướng tương tự với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các quốc gia phát triển tuy nhiên tỷ lệ tử vong do ung thư tại các quốc gia này lại giảm.
Các con số kể trên cho thấy gánh nặng mà bệnh ung thư gây nên cho cộng đồng hết sức lớn", GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết.
Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, ung thư không phải vấn đề gây nên sợ hãi, lo lắng. Chúng ta có thể phát hiện sớm, kịp thời và chữa khỏi bệnh nhờ các công nghệ mới trong chẩn đoán, điều trị ung thư.
Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: "Xu hướng e ngại, sợ sệt với bệnh ung thư đang giảm dần. Nhiều người bệnh đã lao động, học tập và chung sống dần với căn bệnh ung thư. Cá nhân tôi nghe nhiều thông tin từ Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội… cho biết có những ca bệnh nặng, phát hiện muộn nhưng nhờ các phương pháp điều trị mới, sau 10 năm vẫn sống mạnh khỏe".
TS.BS Bùi Vĩnh Quang, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội thông tin, gánh nặng bệnh tật do ung thư gây ra tại Việt Nam ước tính đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1990, và các ca mắc mới ngày càng trẻ hóa theo thời gian.
"Hai năm vừa qua, ngành y tế toàn thế giới đã có nhiều thay đổi do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trong lĩnh vực điều trị ung thư, sự tác động của COVID-19 càng sâu rộng hơn, tăng áp lực và gây thêm hậu quả xấu tới người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân đang cần được điều trị liên tục. Bệnh viện và các cơ sở y tế đã phải phân bổ lại nguồn lực hàng ngày để đương đầu và duy trì đồng thời mục tiêu kép: điều trị bệnh và kiểm soát dịch”, TS.BS Quang nói về khó khăn trong kiểm soát, điều trị bệnh ung thư thời gian qua.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, những con số về chẩn đoán sớm, điều trị thành công đã minh chứng cho thành công của chúng ta trong tiếp cận, hội nhập khoa học kỹ thuật thế giới về điều trị ung thư.