Thông tin được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo Phòng chống ung thư Hà Nội năm 2022, ngày 3-4/11, do Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam và Sở Y tế Hà Nội tổ chức.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết kinh tế, cuộc sống càng phát triển, các bệnh không truyền nhiễm (đặc biệt tim mạch, ung thư) ngày càng gia tăng. Nguyên nhân gây tử vong nhóm bệnh không truyền nhiễm (ung thư, tim mạch, nội tiết…) chiếm 74% nguyên nhân gây tử vong ở người.
Tính riêng ung thư, trên toàn cầu có 19,3 triệu người mắc mới và tử vong vì ung thư. Tính số mắc, đã mắc và bệnh nhân còn sống, chúng ta thường xuyên có khoảng 50,5 triệu người đang sống chung với ung thư.
Theo GLOBOCAN, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 183.000 ca mới mắc và 123.000 người tử vong do ung thư, hiện có 354 nghìn người sống chung với ung thư. Bình quân 100.000 người, Việt Nam có 159 ca mới mắc 106 ca tử vong do ung thư. Nếu chúng ta lấy con số tử vong chia cho số ngày trong năm, mỗi ngày có 340 người ra đi vì ung thư.
Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 91/185 (quốc gia có báo cáo thống kê và tình hình ung thư) về tỷ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100 nghìn người. Thứ hạng này tương ứng của năm 2018 là 99/185 và 56/185 quốc gia.
Có thể thấy là tình trạng mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều đang tăng nhanh. Đây cũng là xu hướng tương tự với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các quốc gia phát triển tuy nhiên tỷ lệ tử vong do ung thư tại các quốc gia này lại giảm.
“Con số này cho thấy gánh nặng bệnh ung thư gây nên cho cộng đồng rất lớn. Chúng ta thường nghe con số tử vong do tai nạn giao thông, Covid-19 nhưng thực tế con số này chưa “thấm” gì so với ung thư”, GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết.
Tuy nhiên cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, ung thư không phải vấn đề gây nên sợ hãi, lo lắng. Chúng ta có thể phát hiện sớm, kịp thời và chữa khỏi nhờ các công nghệ mới trong chẩn đoán, điều trị.
“Xu hướng e ngại, sợ sệt với bệnh ung thư đang giảm dần. Nhiều người bệnh đã lao động, học tập và chung sống dần với căn bệnh ung thư. Cá nhân tôi nghe nhiều ca bệnh nặng, phát hiện muộn nhưng nhờ các phương pháp điều trị mới, sau 10 năm vẫn sống mạnh khỏe từ Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội…”, GS.TS Thuấn cho biết.
Điều này cho thấy trình độ khoa học công nghệ của chúng ta đã từng bước tiếp cận với chẩn đoán, điều trị ung thư trên thế giới.
TS, BS Bùi Vinh Quang, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội chia sẻ, 2 năm qua y tế toàn cầu đã có rất nhiều thay đổi. Với lĩnh vực điều trị ung thư, sự tác động của dịch Covid-19 càng sâu rộng hơn, tăng áp lực và thêm hậu quả xấu tới người bệnh, những người đang cần điều trị liên tục. Các bệnh viện và các cơ sở y tế phải phân bổ lại nguồn lực hằng ngày để đương đầu và duy trì đồng thời mục tiêu kép: điều trị bệnh và kiểm soát dịch.
Để nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị ung thư, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đã tập trung phát triển chuyên môn, kỹ thuật chuyên sâu trong khám, chữa bệnh chuyên ngành ung bướu. Song song với đó, bệnh viện cũng chú trọng tăng cường đào tạo, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế….
Vũ Hạnh (T/h)