Số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng tại Hà Nội đều tăng

Lã Thị Thúy Hằng
Theo nhận định, đánh giá tình hình dịch của CDC Hà Nội, trong tuần qua, số mắc sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng đều tăng so với tuần trước. Dự kiến, các ca mắc SXH tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch, kết quả giám sát tại nhiều điểm có chỉ số muỗi, bọ gậy cao vượt ngưỡng.

Ngày 6/8, theo báo cáo CDC Hà Nội, tuần qua, TP ghi nhận 149 ca mắc SXH, không có ca tử vong, tăng 2,3 lần so với tuần trước. Bệnh nhân ghi nhận rải rác tại 26 quận/huyện; 89 xã/phường/thị trấn. Trong đó, bệnh nhân tập trung chủ yếu tại một số quận huyện như: Ba Đình (19 ca), Đống Đa (16 ca), Thường Tín (14 ca), Thanh Oai (10 ca), Thanh Xuân (10 ca). Còn lại các quận huyện khác điều ghi nhận số mắc dưới 10 trường hợp.

Cộng dồn 2022, TP Hà Nội ghi nhận 608 ca mắc SXH, không có ca tử vong; tăng so với số mắc cùng kỳ năm 2021 (359 mắc). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện; 240/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp virus Dengue lưu hành là DENV1 và DENV2.

a3-1659798952.jpg

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Trong tuần, TP Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch mới tại Đống Đa (2), Thanh Oai (2), Thường Tín (2), Long Biên (1), Hoài Đức (1). Cộng dồn 2022, Hà Nội đã ghi nhận 55 ổ dịch tại 19 quận huyện, 45 xã phường. Hiện tại còn 13 ổ dịch đang hoạt động, cụ thể tại: Đống Đa (2), Thường Tín (2),Thanh Oai (2), Hoài Đức (2), Bắc Từ Liêm (1), Hoàng Mai (1), Long Biên (1), Quốc Oai (1), Thanh Trì (1).

Còn với bệnh tay chân miệng, theo CDC Hà Nội, trong tuần, TP Hà Nội ghi nhận 32 trường hợp, tăng 9 trường hợp so với tuần trước. Cộng dồn 2022, TP có 1.183 ca mắc bệnh tay chân miệng; không có ca tử vong; tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê trên phần mềm thông tư 54, trong tháng 7 toàn TP Hà Nội ghi nhận thêm 828 trường hợp mắc cúm mùa (giảm nhẹ so với tháng 6 là 887 trường hợp). Cộng dồn năm 2022, TP ghi nhận 3.433 trường hợp mắc, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Với các bệnh truyền nhiễm khác như sởi, liên cầu lợn, viêm não Nhật Bản, Rubella, ho gà, não mô cầu, trong tuần, TP Hà Nội không ghi nhận ca bệnh. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc các dịch bệnh khác đều giảm hoặc tương đương.

Theo nhận định, đánh giá tình hình dịch của CDC Hà Nội, trong tuần qua, số mắc SXH và tay chân miệng đều tăng so với tuần trước. Dự kiến, các ca mắc SXH tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch, kết quả giám sát tại nhiều điểm có chỉ số muỗi, bọ gậy cao vượt ngưỡng.

Do đó, CDC Hà Nội yêu cầu các đơn vị, quận huyện tiếp tục duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng chống dịch đảm bảo sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn TP. Đặc biệt, với hoạt động giám sát, điều tra, xử lý dịch, các đơn vị theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam để kịp thời đề xuất các biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm giám sát huyết thanh và virus Dengue. Tăng cường giám sát phát hiện bệnh nhân tại cộng đồng và các bệnh viện được phân cấp để kịp thời nắm bắt tình hình dịch, phát hiện sớm, điều tra xử lý ca bệnh. Phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch hạn chế thấp nhất ổ dịch lan rộng.

Ngoài ra, các cơ sở tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh SXH tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao và ổ dịch cũ. Triển khai ngay các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại các khu vực có chỉ số côn trùng vượt ngưỡng nguy cơ, trong đó cần huy động sự tham gia của các ban ngành đoàn thể. Tiếp tục truyền thông phòng chống bệnh SXH và các dịch bệnh mùa hè nhằm góp phần khống chế và kiểm soát dịch bệnh.

L.Hằng