Thông tin trên Báo Công an Nhân dân, tại hội thảo "Trầm cảm học đường" diễn ra mới đây ThS.BS Đỗ Thuỳ Dung, Phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khoẻ tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vừa qua Viện tiếp nhận nam sinh P.V.H. (18 tuổi, Thái Bình) đến khám trong tình trạng buồn chán và muốn chết.
Theo mẹ và cô ruột của bệnh nhân kể lại, nam sinh có biểu hiện trầm cảm khoảng 2 tháng nay. H. luôn cảm thấy buồn chán, không muốn học, không muốn ôn thi dù kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần, chỉ muốn chết để kết thúc cuộc đời.
Là người điều trị trực tiếp cho nam sinh, Ths.BS Đỗ Thuỳ Dung cho biết: Khai thác tiền sử của bệnh nhân được biết, từ nhỏ em đã ít nói, trầm tính, học giỏi và rất chăm học, không đi chơi, không tập thể dục. Bố mẹ bệnh nhân luôn kỳ vọng nam sinh phải học thật giỏi, đạt kết quả cao trong các kỳ thi.
Nam sinh có niềm đam mê tiếng Anh, cậu đã được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi tiếng Anh. Vì quá kỳ vọng vào con nên bố mẹ luôn hối thúc việc học tiếng Anh và chỉ cần học tiếng Anh. Điều này khiến H cảm thấy bị áp lực và dần chán nản, xin ra khỏi đội tuyển. Từ đó, bố mẹ buồn và hay mắng mỏ.
BS Dung cho biết, khoảng 2 tháng trước khi đến Viện Sức khỏe tâm thần, gia đình nhận thấy H có nhiều bất thường, như giảm quan tâm thích thú, không muốn học, không ra ngoài, thường hay cáu kỉnh, khó chịu với mọi người xung quanh. Nam sinh rơi vào khó ngủ, thức đến 2-3 giờ sáng chơi điện tử, bị bố mẹ nhắc nhở lại cáu gắt, vùng vằng, hoặc không chịu nói chuyện với bố mẹ...
“Qua trao đổi, chúng tôi nhận thấy bệnh nhân căng thẳng từ khi vào lớp 10 nhưng không chia sẻ với gia đình đến khi vào lớp 12 việc học hành, thi cử căng thẳng hơn khiến bệnh tăng nặng hơn. Trường hợp này phát hiện muộn, thời gian trầm cảm kéo dài, tuy nhiên may mắn kết quả điều trị tốt. Hiện bệnh nhân đã được tuyển thẳng vào một trường đại học danh tiếng, BS Dung thông tin.
Ths.BS. Lê Công Thiện, Trưởng phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trầm cảm ở lứa tuổi học đường ngày càng gia tăng. Theo WHO, tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm ở trẻ em hàng năm là 0,3-7,8% ở trẻ em dưới 13 tuổi, 1-2% ở tuổi 13 và từ 3-7% ở tuổi 15. Các quốc gia có thu nhập thấp hơn hoặc trung bình có tỷ lệ trầm cảm thanh thiếu niên cao hơn so với các quốc gia có thu nhập cao (10-13% ở trẻ trai và 12-18% ở trẻ gái).
“Sự khởi phát trầm cảm ở trẻ em không chỉ từ những biến cố lớn mà những sự kiện căng thẳng nhỏ trong đời sống (bỏ học, bố mẹ mất việc, gia đình mâu thuẫn, khó khăn tài chính trong gia đình, người thân ốm) cũng có thể gây nên các triệu chứng của trầm cảm”, BS Thiện nhấn mạnh.
Theo BS Thiện, các rối loạn trầm cảm ở trẻ tuổi học đường cũng giống ở người lớn, tuy nhiên có vài sự khác biệt. Đó là trẻ có cảm xúc dễ bị kích thích, khả năng kiềm chế thấp nên dễ cáu giận, bùng nổ. Phần lớn trẻ thể hiện qua triệu chứng cơ thể, ăn uống kém ngon miệng, mệt mỏi, mất ngủ gặp nhiều hơn ở thanh thiếu niên so với người lớn, sự hứng thú và giảm tập trung thì ngược lại. Tỉ lệ có ý tưởng và hành vi tự sát cao hơn ở người lớn.
"Một số trẻ trầm cảm cố gắng bù đắp cho lòng tự trọng thấp bằng cách cố gắng làm hài lòng người khác nên trẻ có thể xuất sắc trong học tập và cư xử tốt. Vì vậy trầm cảm của trẻ có thể không được chú ý", BS Thiện thông tin thêm.
Để dự phòng trầm cảm cho trẻ, theo các bác sĩ, trẻ cần được quan tâm, chia sẻ từ phía gia đình, bạn bè, nhà trường và cộng đồng. Đặc biệt các thành viên trong gia đình cần phải nâng cao hiểu biết về các triệu chứng của trầm cảm. Cần có sự tham gia của nhà trường và gia đình để phát hiện các triệu chứng của trầm cảm, bởi điều trị càng sớm thì khả năng khỏi bệnh càng cao.