Săn con trai bằng IVF

Đặng Thu Hằng
Bảy năm, 5 lần làm thụ tinh ống nghiệm, tốn hơn một tỷ đồng nhưng vợ chồng Bích Thảo vẫn quyết tâm theo đuổi dù biết lựa chọn giới tính thai nhi là trái pháp luật.

Cặp vợ chồng 34 tuổi, ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc tự nhận không may mắn. Cả 5 lần thụ tinh ống nghiệm của họ đều thất bại, nguyên nhân chính do phôi yếu hoặc nhiễm sắc thể Y (nam) bị dị dạng.

Thảo cho biết, có những người có ba đến năm phôi, còn cô mỗi lần chỉ được một. Chuyển không đậu, cô phải bắt đầu lại từ đầu. Đó là một quá trình căng thẳng và mệt mỏi vì phải tẩm bổ, kích trứng, chọc trứng, nuôi phôi, chuyển phôi... Mỗi lần mất tới hơn nửa năm.

"Bảy năm ròng, cứ hy vọng rồi thất vọng. Nhiều lúc đau đớn, mệt mỏi, tôi lại hối hận, biết thế không lấy chồng trưởng họ", Bích Thảo chia sẻ.

Vợ chồng Thảo kết hôn và có con gái đầu lòng năm 2010. Chồng là trưởng họ, lại là bộ đội nên áp lực sinh con trai đặt nặng trên vai Thảo. Khi quyết định có bé thứ hai, họ không để bầu tự nhiên mà xác định luôn sẽ làm thụ tinh ống nghiệm. Đây là phương pháp sàng lọc và xét nghiệm phôi hiện đại, có thể xác định được giới tính phôi trước lúc chuyển vào cơ thể người mẹ.

Cũng có con gái đầu lòng, vợ chồng Mai Hương, 28 tuổi, đều công tác trong cơ quan nhà nước, quyết định đầu tư hơn 100 triệu đồng làm IVF để săn con trai. "Mình cũng không muốn bị nói ra nói vào vì không đẻ được quý tử cho nhà chồng", cô chia sẻ.

Trước khi bắt đầu, chồng Hương phải tuân thủ chế độ sinh hoạt lành mạnh, không rượu bia trong ba tháng. Anh hợp tác cùng vợ uống thuốc bổ, ăn thịt bò, hàu, giá đỗ, uống nước cam... Nhưng phương pháp họ nghĩ là chắc chắn có con trai" đã thất bại. "Đã tìm đến cả thụ tinh ống nghiệm, sinh được con trai vẫn như một canh bạc", Hương nói.

Ở tuổi 41, chị Nga, quê Hưng Yên, dành toàn bộ 200 triệu đồng tiết kiệm được để làm IVF, mong có con trai. Lần đầu vợ chồng chị chuyển phôi bị hỏng, mất hơn 70 triệu đồng. Lần thứ hai họ được ba phôi, chuyển một phôi, tổng chi phí hết 150 triệu đồng.

Chị Nga cho biết mình không thể mang thai tự nhiên sau khi sinh con gái thứ hai 14 năm trước. Tuổi lớn, chức năng sinh lý cũng giảm, chị đã định từ bỏ song cứ mỗi lần nhà có việc, lễ Tết, họ hàng ai cũng hỏi, rồi ca bài "cố nặn thằng cu". Hai năm nay mẹ chồng còn không nói với chị một câu.

Tết 2020, chứng kiến cảnh chồng bảo vệ mình khi mẹ chồng đem ra so sánh với em dâu, để rồi bị mắng té tát, khát khao có con trai của chị Nga càng trỗi dậy. "Đã sang tuổi tứ tuần, nếu còn chần chừ sẽ không còn cơ hội nữa", chị Nga, một lao động tự do nói.

Những đứa trẻ chơi bong bóng xà phòng tại một huyện miền núi Thanh Hóa, năm 2019. Ảnh: P.D

Hai bé trai chơi bong bóng xà phòng tại một huyện miền núi Thanh Hóa, năm 2019. Ảnh: P.D

Ba người phụ nữ với trình độ học vấn, kinh tế, cũng như nền tảng hoàn toàn khác nhau, đều bị "vòng kim cô" phải sinh con trai bó buộc. Đây là tình cảnh của rất nhiều phụ nữ Việt.

Báo cáo năm 2020 do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) công bố, Việt Nam là một trong ba quốc gia đang có tỉ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Một số tỉnh có tỷ số chênh lệch giới tính cao, hơn 120 bé trai/100 bé gái là Sơn La, Hòa Bình, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Càng những gia đình vợ chồng có học vấn cao và kinh tế khá giả, càng thích con trai, báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2014 cho biết.

Tâm lý ưa thích con trai đã tồn tại từ rất lâu ở Việt Nam và là nguyên nhân chính gây ra mất cân bằng giới tính khi sinh. Một số thay đổi gần đây cũng góp phần làm trầm trọng thêm hiện tượng này như: tỷ lệ sinh thấp, đặc biệt các công nghệ sinh sản hiện đại và chi phí phải chăng, cho phép nhiều người tiếp cận.

Nếu như hơn chục năm trước, những người muốn làm IVF hầu hết phải xuất ngoại sang Thái Lan, Singapore với chi phí cả tỷ đồng. Vài năm gần đây, Việt Nam trở thành trung tâm đào tạo về thụ tinh ống nghiệm của khu vực, chi phí IVF tại hơn 40 trung tâm, bệnh viện trên toàn quốc dao động trong khoảng từ 70 đến 100 triệu đồng - bằng 20-25% các nước. Từ năm 2017 trở đi, số ca IVF thực hiện mỗi năm ở Việt Nam đã cao nhất khu vực ASEAN. Năm 2019, cả nước có gần 35.000 trường hợp IVF được thực hiện.

Không rõ trong con số này có bao nhiêu trường hợp là sàng lọc giới tính nhưng trên mạng xã hội, câu chuyện dùng IVF để sinh con trai được bàn luận sôi nổi, chủ yếu chia sẻ các địa chỉ thực hiện IVF, bác sĩ mát tay, hay đến cả cách nói khéo như thế nào để nhân viên y tế hiểu là mình "đang thèm cậu ấm"...

Bà Hà Thị Quỳnh Anh, chuyên gia của UNFPA về Giới và Nhân quyền, cho biết tâm lý khát con trai, hạ thấp con gái đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Đau lòng nhất, mỗi năm Việt Nam có khoảng khoảng 40.800 trẻ em gái không được sinh ra, theo Báo cáo Dân số thế giới năm 2020.

Dự báo cho thấy, nếu tỉ số giới tính khi sinh vẫn giữ nguyên như hiện nay, đến năm 2034 Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu nam giới từ 15-49 tuổi, đến năm 2059 thừa 2,5 triệu nam giới. Nếu kịch bản này xảy ra, khả năng cao Việt Nam sẽ phải nhập khẩu cô dâu như Trung Quốc và Ấn Độ.

"Hiện có hơn 140 triệu phụ nữ 'bị thiếu hụt' trên khắp thế giới do sự ưa thích con trai và lựa chọn giới tính", ông Bjorn Andersson, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNFPA phát biểu tại một hội thảo quốc tế về mất cân bằng giới tính giới tính khi sinh, diễn ra tại Hà Nội đầu tháng 10/2022. Theo ông, cần hiểu rõ rằng tâm lý ưa thích con trai và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới trước hết là vấn đề bất bình đẳng giới và vi phạm nhân quyền của phụ nữ.

Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ từng trải qua thời kỳ chênh lệch giới tính đỉnh cao và chính phủ các nước đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đưa tỷ lệ sinh con trai, con gái về sát mức tự nhiên.

Tại Hàn Quốc, tỷ số giới tính khi sinh từng đạt gần 115 trẻ em trai/100 trẻ gái vào đầu những năm 1990. Chính phủ nước này đã triển khai đồng thời các biện pháp như: quyền thừa kế bình đẳng cho cả nam và nữ; chính sách giảm thiểu con trai; phong trào phụ nữ đứng đầu hộ gia đình; cho phép con sinh ra sử dụng cả họ cha và họ mẹ... Chỉ số này đã bình thường hóa từ 2007 đến nay. Nhiều cuộc khảo sát ở Hàn Quốc đã chỉ ra thậm chí sự ưa thích con gái giờ đã trở thành tiêu chuẩn.

Việt Nam đã và đang áp dụng nhiều biện pháp nhằm khống chế tình trạng mất cân bằng giới tính như phạt tiền tới 20 triệu đồng với hành vi chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc để có được giới tính thai nhi; cung cấp dụng cụ, thuốc, vật tư để có được giới tính thai nhi; nghiên cứu các phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.

IVF săn con trai nhiều lần không được, chị Thảo có bầu bé trai tự nhiên. Ảnh: NVCC

IVF săn con trai không được, Mai Hương hiện có bầu lần hai bé gái. Ảnh: NVCC

Bảy năm theo IVF để có con trai và mất tới một tỷ đồng nhưng vợ chồng chị Thảo không được toại nguyện. "Khi làm xét nghiệm ở tuần thứ 9 và biết có con trai, mình không dám tin. Sau 5 lần IVF thất bại mà giờ có con trai tự nhiên, cảm giác còn hơn cả trúng độc đắc", Thảo, hiện mang bầu tháng thứ 5, nói.

Sau khi chuyển một phôi, vợ chồng chị Nga bất ngờ vì phôi đó tách đôi, kết quả họ sinh được một cặp bé trai. Cuối cùng đã được toại nguyện, nhưng giờ đây vợ chồng chị cũng đang rất lo lắng kinh tế để nuôi hai con.

Về phần Mai Hương, sau lần IVF thất bại được mách tới một thầy bói. Nghe lời ông này rằng "sinh luôn năm nay sẽ có con trai", cô liền thả. Song kết quả siêu âm ở tuần thứ 12 mới đây xác định là bé gái.

"Đợt mang bầu này tôi bị dọa sảy, hai vợ chồng vừa lo vừa hối hận. Đến khi nhận kết quả giới tính bé, chúng tôi không thấy buồn nữa, giờ chỉ cần con khỏe mạnh chào đời thôi", cô chia sẻ.