Thời gian gần đây, tình trạng trẻ vị thành niên và cả học sinh tiểu học hút thuốc lá điện tử đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của các em mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh.
Một vụ việc gần đây khiến dư luận đặc biệt quan tâm đó là 8 học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phải nhập viện do hút thuốc lá điện tử vào giờ nghỉ trưa. Hay trước đó, 7 nữ sinh lớp 11 Trường THPT Yên Hưng, Quảng Yên (Quảng Ninh) mang theo thuốc lá điện tử đến lớp và rủ các bạn hút cùng. Ngay sau đó, những em này đều có biểu hiện chóng mặt, nôn trong lớp và được đưa tới Trung tâm Y tế cấp cứu. Sau khi lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện chất ma túy tổng hợp mới ADB-BUTINACA.
Những vụ việc này đã dóng lên hồi chuông cảnh báo về tác hại của các loại thuốc lá điện tử đến sức khỏe của trẻ.
Chị Vũ Thu Hiền (Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, chị có con trai đang học lớp 8, một lần thấy con cầm một vật gì đó giống như hình cái bút, ban đầu chị không để ý lắm. Sau này, lén quan sát, chị thấy con thi thoảng cho lên miệng phì phèo và nhả khói, chị gặng hỏi thì con nói đó là thuốc lá điện tử được một bạn học cùng lớp cho.
“Tôi thực sự rất lo lắng vì tôi đọc báo thấy thuốc lá điện tử có nhiều tác hại không tốt cho trẻ nhỏ và những người hít phải khói thuốc. Khi nghe con kể, trên lớp, nhiều bạn cũng hút loại thuốc này nên càng lo lắng hơn. Tôi mong rằng, các thầy cô sẽ giám sát các con chặt chẽ hơn, nhất là giờ ra chơi. Còn ở nhà, gia đình sẽ chú trọng và giáo dục con về những tác hại khôn lường của thuốc lá điện tử”, chị Hiền chia sẻ.
Theo các chuyên gia y tế, thuốc lá điện tử có nhiều tên gọi khác nhau như vape, thuốc lá vaporizer, e-cigs, e-hookahs, vape, bút vape…được thiết kế đa dạng với hình dáng bắt mắt, có thể giống điếu thuốc lá truyền thống hoặc giống như bút, ổ đĩa, hình thỏi son… Do đó, học sinh dễ dàng cầm, dùng thuốc lá điện tử ở lớp mà không bị phát hiện.
Đã có không ít trường hợp học sinh được đưa vào cấp cứu trong trạng thái kích thích, loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp do ngộ độc các chất trong thuốc lá điện tử. Bởi thành phần thuốc lá điện tử có chứa nicotine, đây là một chất gây nghiện, có thể tác động xấu đến phát triển não bộ của trẻ em. Trẻ em không may hấp thụ lượng lớn nicotine có thể bị ngộ độc với các biểu hiện nôn ói, nhịp tim nhanh, tăng tiết nước bọt, đau bụng, da tái nhợt, vã mồ hôi, tăng huyết áp, thở nhanh, mất kiểm soát cơ thể, mất cân bằng không thể đi lại, run tay, co giật... Trường hợp nặng có thể gây nhịp tim chậm, tụt huyết áp, sốc, hôn mê, thậm chí tử vong.
TS. Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ, thực trạng trẻ hút thuốc lá điện tử đã có từ khá lâu, nhiều học sinh, phụ huynh học sinh đã được cảnh báo về những tác hại của thuốc lá điện tử, tuy nhiên, điều đáng lo ngại là thái độ của nhiều người khá thờ ơ, không quan tâm đến các cảnh báo.
“Điều khiến tôi sốc nhất là sự lan truyền của thuốc lá điện tử và các loại ma túy xuất hiện trong thuốc lá điện tử nhanh hơn quá nhiều so với khả năng phòng ngự và ứng phó của xã hội. Khi chúng ta còn đang thờ ơ, bàng quan thì thuốc lá điện tử đã tàn phá giới trẻ rất nghiêm trọng rồi. Ở cấp 2-3, tỷ lệ trẻ hút thuốc lá điện tử tăng lên nhiều đã là vấn đề lớn, nhưng bây giờ, loại thuốc này đã lan xuống đến cấp tiểu học, vấn đề này rất đáng quan ngại”, bà Vũ Thu Hương cho hay.
Bà Hương cho rằng, trước thực trạng này, khả năng phản ứng của xã hội Việt Nam với các vấn đề nghiêm trọng là quá chậm. Khi các trào lưu xấu lan truyền đến từng gia đình rồi thì chúng ta mới giật mình và phản ứng. Ngoài ra, việc giáo dục đạo đức của trẻ cũng bị coi nhẹ quá mức. Con trẻ mới chỉ được tập trung học chữ trong khi đạo đức của con mới đảm bảo cuộc sống an toàn cho các con. Cho con học Tiếng Anh hay học chữ trước thì bố mẹ nào cũng quan tâm nhưng giáo dục nhân cách cho các con thì không phải nhà nào cũng chú trọng. Không được sử dụng đồ của người khác là một trong những phần đạo đức mà cha mẹ cần giáo dục con nhưng lại không được coi trọng. Vì thế, cảnh trẻ nhặt nhanh và sử dụng đồ nguy hiểm không phải là hiếm gặp.
Đó là chưa kể đến, kỹ năng sống của trẻ cũng không được coi trọng và giáo dục. Trẻ không có kỹ năng ứng xử với những trường hợp bị rủ rê làm việc nguy hiểm. Vì thế, từ một cháu bé mang thuốc lá điện tử đến trường đã có một loạt các cháu khác thử hút và phả khói vào mặt bạn dẫn đến ngộ độc. Thêm nữa, các nhà trường và gia đình cũng rất chủ quan cho rằng, thuốc lá điện tử là khái niệm hoàn toàn xa lạ với trẻ nhỏ. Vì thế, khi xảy ra vụ việc, ngay cả các giáo viên cũng không biết về các triệu chứng và cách xử lý cho phù hợp.
“Cả 2 nơi là gia đình và nhà trường đều phải giáo dục trẻ về tác hại của thuốc lá điện tử nói riêng và các chất gây nghiện nói chung. Đồng thời, gia đình và nhà trường cần phối hợp với nhau để tạo ra nhiều hoạt động bổ ích cho trẻ, giảm thiểu sự nhàn rỗi, dư thừa thời gian của trẻ, từ đó hạn chế khả năng tiếp xúc của trẻ với thuốc lá điện tử và các chất gây nghiện khác”, TS. Vũ Thu Hương nói./.