Tại Hà Nội, các bệnh viện như Thanh Nhàn, Đống Đa… phần lớn bệnh nhân là người cao tuổi, mắc các bệnh chủ yếu về đường hô hấp (như viêm phế quản, xoang, viêm đường hô hấp trên…), bệnh liên quan đến tim mạch, xương khớp...
Theo PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, trong các tháng mùa đông vừa qua, số lượng bệnh nhân nhập viện vào Trung tâm tăng lên đáng kể, và số ca nặng cũng tăng cao. Nguy cơ bị đột quỵ tăng 80%, đặc biệt khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C và nhiệt độ giảm đột ngột.
Các chuyên gia cho rằng, nhiệt độ lạnh có thể làm mạch máu co lại, gây tăng huyết áp và nó cũng có thể làm máu cô đặc lại, có thể dẫn đến hình thành cục máu đông. Trong mùa đông lạnh, nhiều người ngại vận động, tập thể thao hơn, và đây cũng có thể là một yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Bác sĩ Phạm Nguyễn Vinh - Giám đốc Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TPHCM khuyến cáo, trời lạnh khiến mạch máu co lại, tăng áp lực trong lòng mạch dẫn đến tăng huyết áp đồng thời thay đổi tình trạng đông máu khiến dễ hình thành cục máu đông hơn gây ra đột quỵ tim.
Theo bác sĩ Vinh, nhồi máu cơ tim cấp còn có tên gọi khác là đột quỵ tim, là tình trạng cơ tim bị thiếu máu nuôi và hoại tử do mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột bởi cục huyết khối trong lòng mạch. Đột quỵ tim có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào cũng như vào mọi thời điểm trong năm. Tuy nhiên, mùa lạnh là lúc nguy cơ đột quỵ tim cao hơn cả, đặc biệt ở những người có sẵn yếu tố nguy cơ như suy tim, từng phẫu thuật hay can thiệp tim mạch, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá nhiều năm… Khi thời tiết lạnh, các mạch máu co lại khiến áp lực trong lòng mạch máu tăng lên dẫn đến tăng huyết áp đồng thời thay đổi tình trạng đông máu khiến dễ hình thành cục máu đông hơn gây ra đột quỵ tim. Ngoài ra, việc thiếu hoạt động thể chất do ngại ra ngoài trong tiết trời lạnh cũng góp phần làm tăng nguy cơ này.
Để phòng ngừa đột quỵ tim hoặc tái phát bệnh trong mùa lạnh, theo các bác sĩ, ngoài việc dùng thuốc đúng chỉ dẫn và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ, người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường rau xanh và trái cây, kiêng rượu, bia, thuốc lá… Vào mùa đông, người cao tuổi, người có bệnh nền tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính lưu ý giữ ấm cơ thể để tránh nhiễm lạnh; hoạt động thể chất đều đặn, đúng cách để giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp. Bên cạnh đó, những người từ 30-45 tuổi có ít nhất 2 yếu tố nguy cơ, người từ 45-55 tuổi có 1 yếu tố nguy cơ và người trên 55 tuổi nên thực hiện tầm soát nguy cơ đột quỵ tim định kỳ, đặc biệt là trước mỗi đợt rét đậm, rét hại để phát hiện sớm nguy cơ đột quỵ tim và can thiệp kịp thời. Đối với người già trong những ngày thời tiết rét đậm kéo dài luôn phải mặc ấm, hạn chế tối đa việc ra ngoài vào ban đêm hoặc dậy sớm tập thể dục khi ngoài trời lạnh sâu. Tránh những nơi gió lùa, không nên thay đổi cơ thể nóng lạnh đột ngột, ăn đủ chất dinh dưỡng, kiểm soát huyết áp. Không tự ý sử dụng thuốc điều trị bệnh khi chưa được thăm khám và tư vấn của bác sĩ.
Những ngày lạnh sâu, rét kéo dài ngoài người già, trẻ nhỏ cũng là đối tượng dễ bị tác động khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột. Tại Khoa Khám bệnh đa khoa, Bệnh viện Nhi trung ương, lượng trẻ đến thăm khám do giá lạnh kéo dài tăng cao, kể cả trước, trong và sau Tết. Trong đó trẻ mắc bệnh hô hấp là nhiều hơn cả.
Nhiệt độ giảm sâu rất nguy hại đến sức khỏe của trẻ, nhất là các bé dưới 2 tuổi, trẻ có nguy cơ nhập viện do hen, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, suy hô hấp. Thời tiết lạnh cũng tạo điều kiện cho virus phát triển, khiến hệ miễn dịch trẻ suy giảm, chán ăn, bỏ ăn, quấy khóc. Các bệnh hô hấp như viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen suyễn... là bệnh thường gặp và rất nguy hiểm đối với trẻ em. Do đó, ngay khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường như ho, sổ mũi, khò khè, quấy khóc, bỏ bú, thở nặng nề, thở nhanh, hổn hển... cần đưa trẻ tới bệnh viện để thăm khám và được điều trị kịp thời. Phụ huynh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc tự điều trị hoặc điều trị dựa vào đơn thuốc cũ.
An Thái