Chủ động các giải pháp
Quảng Trị nằm ở khu vực miền Trung nơi chịu tác động rõ nét của BĐKH với nhiều đợt nắng nóng kéo dài, mưa lớn và bất thường, gây ra lũ lụt, hạn hán, sạt lở nhiều nơi. Để nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, những năm qua, tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm đến việc trồng và bảo vệ rừng, nhất là hệ thống rừng ngập mặn tại các địa phương ven biển.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã triển khai trồng mới hơn 43ha rừng ngập mặn tại các cửa sông Bến Hải, Thạch Hãn thuộc 5 xã của 3 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Triệu Phong. Qua theo dõi, số diện tích được trồng đang sinh trưởng, phát triển tốt. Ngành chức năng kỳ vọng khi những cánh rừng ngập mặn hình thành sẽ đóng vai trò “lá chắn xanh” nơi cửa sông, tạo môi trường thuận lợi cho các loài thủy sản sinh sống, tăng cường độ che phủ, giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH và góp phần bảo vệ cộng đồng dân cư trong vùng trước thiên tai.
Quảng Trị đang triển khai “Dự án phát triển đô thị ven biển miền Trung hướng đến tăng trưởng xanh và ứng phó BĐKH TP. Đông Hà”, sử dụng vốn vay Cơ quan Phát triển Pháp, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.100 tỷ đồng, trong đó, vốn vay AFD gần 920 tỷ đồng; gồm 2 hợp phần chính là đầu tư xây dựng và hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực; tập trung vào các công trình kỹ thuật giúp giảm thiểu tình trạng ngập lụt và BĐKH tại TP. Đông Hà
Những năm qua, Quảng Trị đã làm tốt hợp phần 3 “Thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH” (thuộc dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới - WB7), với việc hỗ trợ xây lắp hạ tầng nội đồng để thực hiện 15 mô hình về tưới tiêu, qua đó nâng cao năng suất và chất lượng sản xuất nông nghiệp, tăng hiệu ích sử dụng nước, tăng thu nhập cho nông dân và giảm tính dễ tổn thương với các tác động bất lợi của thiên tai, đồng thời giảm phát thải gây tác động tiêu cực môi trường từ sản xuất nông nghiệp.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Trị đã đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông vận tải, năng lượng, thủy lợi bền vững thông qua việc tăng cường đầu tư, nâng cấp các hệ thống, mạng lưới giao thông trên cơ sở tiết kiệm năng lượng, có hiệu quả kinh tế, môi trường cao, có khả năng chống chịu với BĐKH; phát triển và hiện đại hóa hệ thống thủy lợi liên kết đồng bộ và hệ thống hạ tầng các ngành, lĩnh vực khác nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với BĐKH, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống người dân.
Thúc đẩy tăng trưởng xanh
Bên cạnh chủ động ứng phó với BĐKH, tỉnh Quảng Trị cũng đang tập trung triển khai các giải pháp nhằm phát triển các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững.
Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh cùng với những khó khăn, thách thức trong BĐKH đã cho thấy rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống, bảo đảm hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh bền vững trong những năm tới, tỉnh sẽ tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên; nâng cao sức cạnh tranh và vị thế của địa phương; rà soát thu hẹp dần những ngành gây ô nhiễm, lãng phí tài nguyên; ưu tiên các ngành mới, có ưu thế, áp dụng, nhân rộng công nghệ mới, phù hợp với điều kiện địa phương, tạo việc làm cho người lao động.
Thực hiện chính sách ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng sạch và mới, đến nay, Quảng Trị đã có 19 dự án điện gió hoạt động với tổng công suất hơn 671MW, 2 dự án điện khí với tổng công suất 1.840MW, 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 127MW và 11 dự án thủy điện với tổng công suất hơn 167MW. Tỉnh đã tích hợp các mục tiêu tăng trưởng xanh trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 nhiệm kỳ 2020 - 2025 và trong xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định các ngành, lĩnh vực ưu tiên và xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030.
Để hiện thực hóa các mục tiêu về tăng trưởng xanh trong giai đoạn tiếp theo, lãnh đạo UBND tỉnh nhận định, công tác phối hợp tổ chức, thực hiện có tầm quan trọng đặc biệt, trong đó, sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cơ quan, các tổ chức trong nước và quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia đóng vai trò nền tảng nhằm đảm bảo việc triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh.
“Mô hình khai thác tài nguyên thiên nhiên ở quy mô không bền vững gây ra những tác động tiêu cực lớn đến môi trường, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm không khí, BĐKH. Chính vì vậy, tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới, nhằm đạt được sự hài hòa phát triển kinh tế - xã hội với phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên”, ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.