Sự kiện được tổ chức bên lề Hội nghị lần thứ 15 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học (CBD-COP15) diễn ra đồng thời với các cuộc họp: cuộc họp các bên tham gia Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học lần thứ 10 (MOP10-CP) và cuộc họp các bên tham gia Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý các lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen lần thứ 5 (MOP5- NP) do Ban thư ký Công ước đa dạng sinh học tổ chức từ ngày 17-19 tháng 12 năm 2022 tại Montreal, Canada.
Sự kiện được diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân và ông Marco Lambertini, Tổng Giám đốc WWF Toàn cầu và ông Carter Roberts, Giám đốc điều hành WWF Hoa Kỳ. Sự kiện đã thu hút được sự chú ý và tham gia của hơn 70 đại biểu đại diện cho các tổ chức quốc tế và các quốc gia thành viên của Công ước đa dạng sinh học, bao gồm Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Liên minh châu Âu (EU), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB), Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Hà Lan, Italia, Anh, Na Uy, Thụy Sỹ, Hoa Kỳ, Canađa,...
Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã nhấn mạnh các giá trị nổi bật về đa dạng sinh học của Việt Nam cùng với những thành tựu đã đạt được trong việc góp phần vào thực hiện các mục tiêu toàn cầu về đa dạng sinh học, đồng thời đặc biệt ghi nhận và đánh giá cao sự hợp tác của các đối tác quốc tế trong thời gian qua; khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục và mở rộng các mối quan hệ đối tác, bao gồm cả hợp tác công – tư trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Với sự quan tâm đặc biệt đến sự kiện này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã gửi lời chào mừng và ý kiến phát biểu tới các đại biểu tham gia sự kiện; khẳng định việc Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ và cam kết thực hiện có trách nhiệm các sáng kiến, cam kết toàn cầu, điển hình gần đây nhất là Tuyên bố của các nhà lãnh đạo vì thiên nhiên tại Hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học trong khuôn khổ khóa họp lần thứ 75 của Hội đồng Liên hiệp quốc, Tuyên bố Côn Minh tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học lần thứ 15; tuyên bố phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. “Bảo tồn đa dạng sinh học phải giải quyết từ nguyên nhân sâu xa. Trước hết là tồn tại của mô hình phát triển, phải kịp thời chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, gắn bảo tồn thiên nhiên với phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, gắn mục tiêu “Net Zero” về biến đổi khí hậu đến năm 2050 với các mục tiêu về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phát biểu tại Sự kiện, ông Marco Lambertini, Tổng Giám đốc WWF Toàn cầu cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương và đã có nhiều hành động quyết liệt để thực hiện các cam kết quốc tế về đa dạng sinh học. WWF khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện tốt các mục tiêu quốc gia về đa dạng sinh học. Kết quả của Sự kiện này sẽ cung cấp thông tin đầu vào quan trọng cho CBD COP15 hiện đang diễn ra tại Montreal, Canada từ ngày 12 - 19 tháng 12 năm 2022.
Tại sự kiện, đại diện của Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đã báo cáo về các lĩnh vực ưu tiên hợp tác trong bảo tồn đa dạng sinh học trong thời gian tới nhằm triển khai thành công Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các vấn đề được nêu tại sự kiện đã nhận được sự ủng hộ và hưởng ứng của các đối tác, đặc biệt là Ngân hàng Thế giới (WB), Liên minh châu Âu (EU), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) và đại diện khu vực tư nhân gồm Quỹ Legacy Landscapes, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW)... Các cơ quan và tổ chức đều đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đạt được của Việt Nam về công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới nhằm góp phần đạt được các mục tiêu chung của Khung Đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020./.