Khát vọng khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Hiện nay, nhiều địa phương, trong đó có Sơn La đang thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo gắn liền với tài nguyên bản địa. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp, hợp tác xã khởi nghiệp vẫn còn gặp khó khăn trong việc thu hút, kết nối các nguồn lực để phát triển.
2859570213294274426986886548539117503248866n-16548364652691474352994-1654916869.jpg
HTX du lịch Ngọc Chiến khai thác thế mạnh thiên nhiên, cảnh vật, văn hóa vùng dân tộc để phát triển du lịch cộng đồng - Ảnh: HTX du lịch Ngọc Chiến

Khởi nghiệp gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương

Bản Bướt là bản vùng cao đặc biệt khó khăn thuộc xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Đây là nơi chung sống của cộng đồng các dân tộc Thái, Mường và Dao. Hơn 90% sinh kế của dân bản phụ thuộc vào nông nghiệp nhưng nông sản làm ra không có thị trường.

Chị Cao Thị Tâm, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tân Xuân 269 chuyên về sản xuất măng nứa sấy khô chia sẻ, năm 2012, chị chuyển đến vùng đất này sinh sống và lập nghiệp bằng việc mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Hằng ngày, chị chứng kiến cuộc sống của bà con dân tộc Mông, Thái rất khó khăn, thậm chí nhiều trẻ em ăn cơm chan nước lã.

"Dù nơi đây sở hữu các loại măng nổi tiếng trong ẩm thực của đồng bào Thái ở Sơn La, đặc biệt là măng khô từ cây măng tre rừng nhưng tại sao cuộc sống của bà con vẫn hết sức khó khăn", chị Tâm tự hỏi.

Nhận thấy tiềm năng phát triển từ cây măng, chị Tâm nung nấu ý định mở một đầu mối thu mua, sơ chế măng, tạo đầu ra ổn định cho nguồn nguyên liệu quý tại địa phương.

"Tháng 3/2019, tôi bắt tay vào khởi nghiệp với HTX Nông nghiệp Tân Xuân 269. Những ngày đầu mới thành lập, tôi loay hoay tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thuật sơ chế măng để có sản phẩm đẹp, chất lượng đưa ra thị trường. Măng được sản xuất, chế biến theo quy trình thủ công rất khó khăn, năng suất thấp", chị Tâm cho biết.

Sau khi tham gia vào các khóa tập huấn và một dự án do chính phủ Australia tài trợ tại tỉnh Sơn La, HTX đã được trang bị thêm các kỹ năng tài chính, quản lý, được đầu tư thêm xưởng sản xuất và lò sấy hiện đại.

Măng tươi sau khi được thu hái sẽ được rửa sạch bằng nước giếng khoan, đưa vào nồi luộc rồi được cắt miếng cho ra lạt phơi nắng. Những ngày không có nắng thì măng được cho vào lò sấy khoảng 6 giờ đồng hồ. Nếu trời nắng, HTX có thể giảm thời gian sấy và đem măng ra phơi giúp măng thơm ngon hơn, màu sắc cũng đẹp hơn. Năm 2021, HTX đạt doanh thu khoảng 3 tỷ, trong đó lợi nhuận chiếm 35%, cao gấp 2,5-3 lần so với trước đây.

Từ những ngày đầu thành lập với 18 thành viên, đến nay, HTX đã có khoảng 80 thành viên, sản phẩm làm ra của bà con không còn bị thương lái ép giá, có thu nhập ổn định, dao động từ 5-6 triệu đồng/tháng.

Không chỉ tập trung vào sản phẩm chủ đạo là măng, HTX còn trồng thêm những loại cây nông nghiệp khác là thế mạnh của địa phương như gạo nếp nương, cam, xoài, nhãn, gừng, sắn… theo tiêu chuẩn VietGAP để đa dạng thêm sản phẩm và thu nhập cho các thành viên.

Tuy vậy, ngoài việc vay vốn để mở rộng quy mô hay việc tìm đầu ra cho sản phẩm, các thành viên của HTX vẫn còn thiếu nhiều kiến thức, kỹ năng và rất cần được đào tạo, nâng cao năng lực, được các chuyên gia tư vấn về các mô hình kinh doanh, quản lý tài chính, các kênh bán hàng mới qua zalo, facebook...

Giống như chị Tâm, với khát vọng khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa, sau khi tốt nghiệp Đại học Tây Bắc, năm 2011, anh Lường Văn Xiên quyết định trở về quê hương tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La để khởi nghiệp.

Ở độ cao trên 1.800 m so mực nước biển, Ngọc Chiến được thiên nhiên ban tặng nhiều ưu đãi. Vùng đất hoang sơ này có khí hậu trong lành, mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, cùng các nguồn nước khoáng nóng tự nhiên, cánh đồng hoa sơn tra (táo mèo) phủ trắng mỗi độ xuân về, những ngôi nhà sàn mái lợp gỗ pơ mu hàng trăm năm tuổi…

Nhận thấy đây là điều kiện thuận lợi phát triển du lịch cộng đồng, anh Lường Văn Xiên đã phát triển mô hình homestay để phục vụ khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Từ 5 homestay vào năm 2019, sau khi tham gia một dự án cải thiện sinh kế bền vững của Chính phủ Úc tài trợ, năm 2020, HTX du lịch Ngọc Chiến được thành lập với 20 hộ tham gia cùng 50 lao động thường xuyên. HTX tổ chức các tour, tuyến trong cộng đồng, đáp ứng nhu cầu về ăn, ngủ, nghỉ, vui chơi và tắm nước khoáng nóng tự nhiên cho du khách.

"Tuy nhiên, khi những nhà sàn bằng gỗ pơ mu chuyển thành homestay, người dân chuyển từ làm nông nghiệp sang dịch vụ thì vấn đề đặt ra là phải nâng cao sự hiểu biết, đào tạo cho bà con về phát triển du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa. Hơn nữa, việc làm thế nào để quảng bá, lan tỏa du lịch cộng đồng Ngọc Chiến tới du khách cũng đang là vấn đề khó khăn với HTX", anh Xiên bày tỏ.

Kết nối nguồn lực kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Có thể thấy, tại Sơn La, một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã có thể tự phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh của mình và tiếp cận với các nguồn lực hỗ trợ địa phương. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp, hợp tác xã khởi nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hút, kết nối các nguồn lực để phát triển, từ vấn đề thị trường, công nghệ, đến tiếp cận với các nhà đầu tư để kêu gọi vốn hay gặp gỡ các chuyên gia tư vấn về chiến lược phát triển bền vững…

Đã có rất nhiều hỗ trợ từ phía nhà nước, địa phương… nhưng đâu là khó khăn nhất mà các doanh nghiệp khởi nghiệp đang gặp phải? Từng cố vấn cho rất nhiều mô hình khởi nghiệp điển hình trên toàn quốc, ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia cho hay, vấn đề đặc trưng mà nhiều start-up gặp phải đó là chưa tìm được nơi để tiếp cận các nguồn lực.

"Trong các hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, chúng tôi nhận thấy hiện nay, các tỉnh, các trường đại học đang gặp vấn đề liên quan đến việc làm sao có tương tác tốt trong hệ sinh thái", ông Thắng nói.

Một trong 3 loại "vốn" quan trọng hỗ trợ tốt nhất cho start-up, đó là "vốn" xã hội, nghĩa là start-up phải biết về hệ sinh thái, được tham gia các chương trình, sự kiện liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo. Như vậy, các start-up sẽ biết được có những vườn ươm nào, có tổ chức hỗ trợ nào, thậm chí là có những chuyên gia nào để tiếp cận.

Hơn nữa, hiện nay, các địa phương vẫn còn thiếu những người tiên phong để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kết nối các nguồn lực (doanh nghiệp khởi nghiệp, cố vấn, chuyên gia, huấn luyện viên...) với nhau.

Đối với Sơn La, ông Đàm Quang Thắng cho rằng, thay vì tìm kiếm, mua giải pháp công nghệ ở nước ngoài hoặc ở đâu đó, chính quyền địa phương phải là người đưa ra các "bài toán" mà địa phương đang gặp phải để các start-up giải quyết. Đó có thể là những công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, công nghệ chống sói mòn đất… Đây chính là cơ hội cho người dân, các bạn trẻ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), tất cả bài toán để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đều phải lấy con người làm tâm điểm.

"Đất nước Israel - một quốc gia với 70% là sa mạc còn lại là đồi núi trọc, khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, nhưng họ tập trung vào con người và đã trở thành quốc gia khởi nghiệp, chinh phục thị trường toàn cầu. Sơn La nên lấy nguồn "vốn" là con người, kết hợp với nguồn lực, tài nguyên bản địa để phát triển", ông Phạm Hồng Quất bày tỏ quan điểm.

Đặc biệt, để hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh có thể kết nối với quốc gia, đi ra quốc tế thì tính "mở" sẽ rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Khi mọi thứ trở nên toàn cầu, mọi nền tảng mở ra, độ "mở" càng lớn thì chúng ta càng tiếp cận được nhiều tri thức, công nghệ sẵn có ở trên thế giới.

Những giải pháp công nghệ, mô hình hay ở các nước, chúng ta có thể ứng dụng và phát triển mà không cần nghiên cứu lại, tránh trùng lặp. Ngược lại, có những sản phẩm đặc hữu, đặc trưng của Sơn La, chúng ta có thể đem ra toàn cầu thông qua mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo "mở".

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công cho biết, để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tỉnh Sơn La luôn xác định tạo nền tảng và tri thức con người là yếu tố quan trọng nhất. Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng những chương trình gắn kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã địa phương với các nhà khoa học, doanh nghiệp, các đơn vị trên cả nước.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Sơn La luôn nỗ lực, quyết tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bằng những việc làm hết sức cụ thể gắn liền với tài nguyên bản địa như: Ban hành nghị quyết về hỗ trợ sản xuất bao bì, truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng cam; chương trình phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La; đào tạo nguồn nhân lực tiếp cận các tri thức mới….

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, trong thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN cụ thể, trong đó ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, phát triển các ngành hàng của tỉnh...để có thể ứng dụng vào thực tế.