Trước đó, năm 2016, mặc dù ngành nông nghiệp của Quảng Ninh chỉ chiếm 6% GRDP của tỉnh nhưng Quảng Ninh đã lập Đề án thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô khoảng 200 ha tại thị xã Đông Triều.
Theo Đề án do Quảng Ninh lập, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là trung tâm khoa học công nghệ, đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, tổ chức đào tạo, chuyển giao công nghệ, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư để tạo ra công nghệ cao phục vụ nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh, góp phần đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao.
Từ năm 2015, Quảng Ninh đã khảo sát 34 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quy hoạch, triển khai tại 19 tỉnh, thành phố. Trong đó chỉ có 7 khu đã đi vào hoạt động, có 3 khu tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Khánh Hòa được xác định hoạt động có hiệu quả, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các TP Hải Phòng, Hà Nội và tỉnh Sơn La được xem như không đem lại kết quả, còn Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Phú Yên đạt hiệu quả thấp.
Theo đánh giá của Quảng Ninh, so với tiêu chí, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Việt Nam vẫn có ít hàm lượng tri thức cao, chưa đáp ứng yêu cầu về nghiên cứu, ứng dụng; chưa lựa chọn mô hình Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp; chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc để giải phóng mặt bằng xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chưa có cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Công nghệ nhập khẩu không phù hợp, nhân lực vận hành sản xuất chưa lành nghề, chưa có tác phong làm việc công nghiệp.
Từ thực tế này, Quảng Ninh cho rằng, việc quy hoạch, xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần có bước đi thích hợp; phải thực hiện các nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn, lựa chọn một số cây, con, mô hình để đầu tư đồng bộ, kết hợp hài hoà giữa nghiên cứu tạo công nghệ cao với ứng dụng; tiếp thu có chọn lọc thành tựu công nghệ cao để làm chủ khoa học hiện đại, công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp; đồng thời hiện đại hoá công nghệ truyền thống nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hoá có năng suất cao, chất lượng, an toàn sinh học và khả năng cạnh tranh cao.
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng thân thiện với môi trường. Khai thác và phát huy mọi tiềm năng lợi thế về vị thế, tiềm năng của vùng; kết hợp hài hòa giữa phát triển nông nghiệp sử dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, hình thành khu dịch vụ và du lịch theo hướng hiện đại, có bản sắc riêng…
Quảng Ninh hy vọng, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ tác động mạnh mẽ đến Chương trình phát triển nông thôn mới để người nông dân thay đổi tư duy, nhận thức, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, lao động, nâng cao thu nhập và đời sống nhờ áp dụng công nghệ mới; giải quyết việc làm trực tiếp cho hơn 500 lao động, từng bước hình thành lực lượng công nhân nông nghiệp công nghệ cao, cung cấp sản phẩm tiêu dùng đạt tiêu chuẩn chất lượng cho người dân.
Quảng Ninh đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đại diện cho vùng Trung du miền núi phía Bắc và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.