Cũng theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy, sở Tài nguyên & Môi trường và Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh Quảng Ninh phải thẩm định, trình giá đất bồi thường, giải phóng mặt bằng để UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt giá đất bồi thường, giải phóng mặt bằng trong ngày.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, sở dĩ Quảng Ninh phải khẩn trương thực hiện phê duyệt bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2020 cho Dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái; phải trình thẩm định giá đất bồi thường, giải phóng mặt bằng để UBND tỉnh phê duyệt ngay trong ngày vì trước đó, ngày 15/7, Bí thư, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Tường Huy đồng thời là Trường Ban chỉ đạo triển khai dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đã có văn bản chỉ đạo, đến 15/8, TP Móng Cái, các huyện Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, nơi có tuyến cao tốc chạy qua phải hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao diện tích đất thực hiện dự án cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công để dự án đảm bảo tiến độ.
Cùng với việc gấp rút phê duyệt bổ sung kế hoạch sử dụng đất; phê duyệt bồi thường, giải phóng mặt bằng, tỉnh Quảng Ninh cũng cho phép UBND các huyện được chủ động phê duyệt giá một số loại cây trồng trong diện tích đất bị thu hồi nhưng chưa có trong bộ đơn giá bồi thường khi Nhà nước thực hiện thu hồi đất để rút ngắn thời gian thực hiện thu hồi đất.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, năm 2019, Quảng Ninh đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cho cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. Theo đó, dự án cao tốc có thiết kế tốc độ 100 km/giờ. Đầu năm 2020, Quảng Ninh quyết định nâng tốc độ thiết kế cao tốc lên 120 km/giờ. Cùng với quyết định này, diện tích đất phải thu hồi của dự án đã tăng thêm 169,6 ha. Tương ứng với phần diện tích tăng thêm này là 1.192 hộ dân và 9 tổ chức tại các TP Móng Cái, huyện Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên và Vân Đồn bị thu hồi đất so với kế hoạch sử dụng đất cũ đã được phê duyệt.
Điều này dẫn đến việc kéo dài thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, trong khi đó, thời gian hoàn thành dự án không thay đối. Do có sự thay đổi trong thiết kế tuyến cao tốc, tổng mức đầu tư của dự án cũng thay đổi lớn. Song song với việc bổ sung kế hoạch sử dụng đất, thẩm định bổ sung thẩm định giá đất làm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các sở Tài chính, sở Kế hoạch & Đầu tư cần xác định nhu cầu kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng để UBND tỉnh Quảng Ninh cân đối, điều chỉnh, bổ sung vốn cho dự án, quyết định lại tổng mức đầu tư của dự án này.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Dự án đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái được điều chỉnh nâng tốc độ khai thác nhằm rút ngắn hơn nữa thời gian hành trình của phương tiện giao thông từ đoạn tuyến Hạ Long – Vân Đồn đến TP Móng Cái trên tuyến cao tốc này.
Dự án Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái là tuyến cao tốc thứ 3 được Quảng Ninh quyết định đầu tư. Tuyến cao tốc có tổng chiều dài 80,2 km. Ban đầu dự án thu hồi hơn 600 ha. Đến nay, sau điều chỉnh bổ sung để nâng tốc độ thiết kế từ 100 km/giờ lên 120 km/giờ, dự án phải sử dụng hơn 769,6 ha đất của các TP Móng Cái, huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà. Điểm đầu của cao tốc Vân Đồn – Móng Cái tiếp nối với cao tốc Hạ Long – Vân Đồn tại Km70+108 đoạn qua sân bay Vân Đồn. Điểm cuối tại Km150+339 giao với đường dẫn cầu Bắc Luân 2,TP Móng Cái.
Thông tin từ tỉnh Quảng Ninh cung cấp thêm. Ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư hơn 11.195 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) do Cty TNHH Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Vân Đồn (liên danh ba nhà thầu Cty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Long Vân, Cty cổ phần Mặt Trời Vân Đồn và Cty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Công Thành) thực hiện.
Sau ít tháng triển khai, do nhà thầu “kêu” khó thu hồi vốn từ dự án, Quảng Ninh quyết định tách dự án thành 2 dự án độc lập gồm dự án đường cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên dài 16 km với tổng vốn đầu tư 3.667 tỷ đồng được Quảng Ninh sử dụng vốn ngân sách đầu tư; đoạn 64,2 km cao tốc còn lại (từ Tiên Yên đến TP Móng Cái) có tổng vốn đầu tư 9.000 tỷ đồng vẫn do Cty TNHH Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Vân Đồn làm chủ đầu tư.
Lý giải việc Quảng Ninh có phương án điều chỉnh chủ đầu tư thực hiện tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho rằng, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư đã khiến nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn, Quảng Ninh sử dụng ngân sách để xây dựng một đoạn của tuyến cao tốc là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.