Quảng Ninh: Người dân thị xã Đông Triều khổ sở vì “đất lậu” tung hoành

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Nhiều quả đồi tại xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh bị đào khoét nham nhở, tan hoang. “Đất lậu” bon bon khắp các ngả đường đến nơi tiêu thụ. Phải chăng có sự “xi nhan”, bật đèn xanh của chính quyền khiến một số đơn vị khai thác đất trái phép lộng hành?
Thiên đường đất lậu
 
Theo phản ánh của người dân, từ ngày 19/12/2020 phần đất nhà ông Nguyễn Văn Vỹ đang quản lý tại khu Khe Mưa, thôn Thành Long xe vận chuyển đất ra vào tấp nập. Các máy cỡ lớn xúc hoạt động liên tục để cào, móc đất. Lượng đất này đã nhanh chóng được các xe Hovo vận chuyển đến nhà máy gạch trên địa bàn thị xã Đông Triều tiêu thụ. Con đường dân sinh bỗng nhiên trở thành con đường đất lậu, bụi mù mịt trắng đường, đất đá vương vãi khắp nơi gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không hề nhỏ đến đời sống dân sinh.
 
Khu vực đồi Cặp Mèo có diện tích khoảng 10ha đã được chính quyền giao cho dân trồng na. Một nông sản làm lên thương hiệu nổi tiếng OCOP tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên khu vực này các công ty tư nhân tự vào thỏa thuận mua bán đồi với dân sau đó khai thác lấy đất mang đi tiêu thụ. Tại đây một phần đất bị đào bới từ rất lâu trước đó, mỗi năm diện tích đất bị đào bới khai thác ngày càng mở rộng do nhu cầu tiêu thụ đất của thị trường. 
IMG_1209 (1)
Lợi dụng xin dự án nạo vét ao nhưng lại xúc đất đồi tại Khe Mưa
Tại thời điểm ghi nhận thực tế của phóng viên ngày 21/12/2020, có hai máy xúc tại hiện trường, vết đào bới nham nhở nhưng còn rất mới khiến đất chưa kịp khô. Từng gốc Na bị bật rễ bên cạnh những vết đất đào bới tan hoang.
 
Bên cạnh khu Khe Mưa, thôn Thành Long, đồi Cặp Mèo tình trạng khai thác đất tại xã An Sinh còn diễn ra công khai từ nhiều năm nay tại xóm Chân Hồ, Đìa Mối, Khe Sắn… Từng quả đồi bị vạt dang dở, hàng hecta đất rừng, đất đồi trồng na của bà con bị xâm phạm.
 
Tất cả các khu vực khai thác đất đá nêu trên đều chưa có hồ sơ, thủ tục của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đồng ý cho phép khai thác, bốc xúc đất đá.
IMG_1166 (1)
Vết bốc xúc đất đá chưa kịp khô tại đồi Cặp Mèo
Chính quyền tạo điều kiện?
 
Hiện nay trên địa bàn xã An Sinh có 3 điểm được UBND thị xã Đông Triều đưa vào điểm quy hoạch mỏ để báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh. Đó là khu vực đồi Cặp Mèo, Khe Sắn, xóm Chân Hồ (thôn Thành Long). Tuy nhiên đến nay chưa có điểm nào được tỉnh Quảng Ninh quy hoạch làm mỏ đất.
 
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định: tại xã An Sinh chưa có điểm quy hoạch mỏ đất nhưng vì nhu cầu dự án trên địa bàn thị xã Đông Triều rất lớn nên chính quyền cũng tạo điều kiện.
IMG_1370
Máy xúc cắm gầu vào lưng đồi Cặp Mèo
Trao đổi với phóng viên về việc khai thác, bốc xúc đất tại khu Khe Mưa, thôn Thành Long, ông Thắng cho biết: "Phần diện tích tại Khe Mưa là đất công do xã quản lý, phần mặt nước được ông Nguyễn Văn Vỹ thầu làm ao thả cá. Tại khu vực này phía chính quyền xã đã có đơn trình UBND thị xã Đông Triều xin nạo vét lòng hồ chứa nước phục vụ sản xuất. Thị xã đã đồng ý chủ trương nhưng yêu cầu xã lập phương án nạo vét trong đó có đầy đủ các mục: diện tích, độ sâu, bảo vệ môi trường, phương án vận chuyển… Nhưng xã chưa làm nên cũng coi như là không có giấy tờ gì. Diện tích nạo vét khoảng 4.000 m là quá nhỏ nên xã không làm phương án mà giao cho anh Đinh Văn Huỳnh làm.”
 
Khi được hỏi, vậy chính quyền xã có biết đất, sét được nạo vét tại Khe Mưa được mang bán vào nhà máy gạch, ông Thắng thừa nhận: “Nói không biết thì cũng không phải nhưng là chính quyền tạo điều kiện cho hộ dân và thực tế xã không thu bất cứ thứ gì. Từ khi tôi công tác tại địa phương nếu dân có đơn xin hạ cốt thì chỉ san gạt tại chỗ chứ không được vận chuyển đi ra ngoài”.
 
Từng quả đồi bị xẻ thịt, khai thác nham nhở, từng khu vực bốc xúc đất núp bóng dự án nạo vét, đào ao diễn ra khắp nơi trên địa bàn xã. Tình trạng khai thác đất trái phép tại xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đang “nóng” hơn bao giờ hết. Nguyên nhân của nạn “đất tặc” là do nhu cầu san lấp mặt bằng dự án trên địa bàn thị xã Đông Triều rất lớn. Bên cạnh đó nhiều nhà máy gạch trên địa bàn luôn cần lượng nguyên liệu không hề nhỏ. Lợi nhuận từ đất lậu cộng thêm sự thờ ơ, thậm chí dung túng, tạo điều kiện của chính quyền địa phương khiến An Sinh trở thành “thiên đường” đất lậu. 
 
Trước thực trạng khai thác, vận chuyển đất đá bừa bãi tại xã An Sinh, UBND thị xã Đông Triều cũng như các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh cần sớm vào cuộc để điều tra, quy rõ trách nhiệm của từng đơn vị liên quan. Tránh gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách.

Nguyễn Huyền