Quảng Bình tìm cách tháo gỡ cho Doanh nghiệp ảnh hưởng bởi Covid - 19

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Sáng ngày 17/6, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức họp Ban Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh do ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì. 

 

55
Toàn cảnh buổi họp.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, thành phần kinh tế trên địa bàn Quảng Bình gặp nhiều khó khăn, tác động sâu rộng đến mọi mặt kinh tế - xã hội, làm đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, ảnh hưởng mạnh đến tâm lý, thu nhập và đời sống Nhân dân, trực tiếp đến các ngành xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, lao động việc làm. Nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm so với cùng kỳ, trong khi đó số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng.

Mặc dù các doanh nghiệp đã chủ động phòng ngừa và có phương án sản xuất kinh doanh để hạn chế thiệt hại nhưng vẫn còn rất khó khăn, cụ thể: Nhiều doanh nghiệp không có tiền trả lương cho người lao động, trả lãi vay ngân hàng, trả chi phí thuê mặt bằng, nộp thuế cho Nhà nước, nộp bảo hiểm cho người lao động và các chi phí khác nên phải cắt giảm lao động.

Các xí nghiệp may mặc không nhập khẩu được nguyên liệu đầu vào và các nước đang đóng cửa biên giới nên không xuất, nhập khẩu. Nhiều đại lý bia, rượu, nước giải khát chỉ tiêu thụ được 40 - 50% sản lượng so với cùng kỳ; một số mặt hàng nông, thủy sản, tinh bột sắn, kaolin tinh... không tiêu thụ và xuất khẩu, hàng tồn kho lớn, lưu kho kéo dài, chi phí bảo quản tăng nên doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hoặc ngưng trệ.

Các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong thời gian qua cũng chỉ sản xuất đạt 60 - 70% năng lực sản xuất thực tế (xi măng, clinke, gạch xây dựng, tấm lợp...). Bên cạnh đó, nhiều dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị cũng gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà ở...; các thủ tục hành chính về tiếp cận đất đai còn rườm rà, thời gian giải quyết chậm...

Tại buổi họp, các đại biểu đã thảo luận, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó tập trung vào chính sách hỗ trợ tín dụng và lãi suất ngân hàng cho các doanh nghiệp bị thiệt hại bởi dịch bệnh; giảm, gia hạn, giãn thời gian nộp thuế; giãn thời gian nộp, chậm nộp và không phạt nộp chậm bảo hiểm xã hội trong giai đoạn khó khăn hiện nay; nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cửa khẩu quốc tế Cha Lo; tìm kiếm giải pháp để kích cầu du lịch; tăng cường tổ chức hoạt động kết nối thị trường; tháo gỡ khó khăn trong đầu tư công, các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng...

Phát biểu tại buổi họp, Trưởng ban Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh  Quảng Bình yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo nêu cao tinh thần trách nhiệm, theo dõi, nắm bắt các vấn đề liên quan đến ngành mình, tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo; Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các ngân hàng thươmg mại trên địa bàn triển khai chủ trương về gia hạn nợ, hỗ trợ lãi suất... để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất; Cục Thuế tỉnh thực hiện chính sách về thuế, hỗ trợ nộp thuế cho doanh nghiệp; Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh giải pháp cụ thể về tháo gỡ khó khăn trong đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, các thủ tục đầu tư, cân đối vốn; Sở Xây dựng tham mưu cụ thể đối với các dự án đã tổ chức đấu thầu, ký kết hợp đồng, thực hiện việc giãn thu tiền sử dụng đất...

Ngoài ra, Ban cũng yêu cầu các sở, ngành tập trung chỉ đạo cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoàn thành thủ tục pháp lý để sản xuất kinh doanh và triển khai các dự án, đặc biệt là thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; đốc thúc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là hệ thống cầu Nhật Lệ 2...

QA