Phương án kết nối với “luồng xanh” quốc gia qua Hà Nội trong thời gian giãn cách

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có văn bản báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thành phố Hà Nội về việc xây dựng phương án kết nối với “luồng xanh” quốc gia qua địa bàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, nhằm ưu tiên cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, công nhân, chuyên gia được lưu thông thông suốt 24/24 giờ, “luồng xanh” quốc gia kết nối “luồng xanh” của thành phố thông qua 22 chốt kiểm dịch, hiện tại đã có biển chỉ dẫn.

 

Cụ thể, từ các tỉnh phía Nam, hướng Hà Nam thông qua Hà Nội theo tuyến quốc lộ 1A, 1B (từ các chốt số 1, số 2, số 3) lưu thông qua nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ - Vành đai 3 trên cao đi cầu Thanh Trì hoặc cầu Thăng Long để đi các tỉnh, thành phố khác.

 

Từ các tỉnh phía Đông Bắc, hướng Bắc Ninh thông qua Hà Nội theo tuyến quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn (chốt số 4-11) lưu thông qua cầu Thanh Trì - Vành đai 3 trên cao để đi các tỉnh, thành phố khác.

 

Từ các tỉnh phía Tây Bắc, hướng Hòa Bình thông qua Hà Nội (chốt số 12-14) lưu thông theo đường quốc lộ 6 qua nút giao Khuất Duy Tiến hoặc theo Đại lộ Thăng Long qua nút giao Trung Hòa đi Vành đai 3 trên cao để đi các tỉnh, thành phố khác.

 

Từ các tỉnh phía Bắc, hướng Phú Thọ thông qua Hà Nội (chốt số 12-14) lưu thông theo đường quốc lộ 6 qua nút giao Khuất Duy Tiến hoặc theo Đại lộ Thăng Long qua nút giao Trung Hòa đi Vành đai 3 trên cao để đi các tỉnh, thành phố khác.

hn21
Hà Nội lập chốt chặn các tuyến đường huyết mạch để kiểm soát không để lây lan dịch bệnh. Ảnh: ST

Từ các tỉnh phía Bắc, hướng Vĩnh Phúc thông qua Hà Nội (chốt số 18-21) lưu thông theo đường quốc lộ 32 qua nút giao Mai Dịch và theo đường quốc lộ 2 - Võ Văn Kiệt - cầu Thăng Long - Vành đai 3 trên cao để đi các tỉnh, thành phố khác.

 

Từ các tỉnh phía Bắc, hướng Thái Nguyên thông qua Hà Nội (chốt số 22) lưu thông theo đường quốc lộ 3 - đường 35 - quốc lộ 2 - Võ Văn Kiệt - cầu Thăng Long - Vành đai 3 trên cao hoặc quốc lộ 3 - quốc lộ 18 - Võ Nguyên Giáp - quốc lộ 5 - cầu Thanh Trì để đi các tỉnh, thành phố khác.

 

Khi thực hiện Chỉ thị số 16/TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố Hà Nội, “luồng xanh” dự kiến thực hiện theo nguyên tắc:

 

Tại khu vực ngoại thành (ngoài đường Vành đai 3): Thông qua hệ thống đường kết nối từ đường Vành đai 3 với quốc lộ 1A, 1B , quốc lộ 5, đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, đường Hồ Chí Minh, các đường cao tốc: Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, quốc lộ 2, quốc lộ 3, quốc lộ 6, quốc lộ 18, quốc lộ 32.

 

Phương án “luồng xanh” áp dụng tại khu vực đường Vành đai 1 vào trung tâm như sau: Đường An Dương Vương - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư - đê Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - La Thành và kết nối với hệ thống đường hướng tâm.

 

Khu vực Vành đai 2 vào trung tâm như sau: Cầu Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Trường Chinh - đường Láng - đường Bưởi - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân và kết nối với hệ thống đường hướng tâm.

 

Tại khu vực Vành đai 3 vào trung tâm như sau: Đường gom Vành đai 3 (Pháp Vân - Giải Phóng) - Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng - cầu Thăng Long - Võ Văn Kiệt - Võ Chí Công - Hoàng Sa - Trường Sa - Nguyễn Văn Linh và kết nối với hệ thống đường hướng tâm.

 

Cũng theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hệ thống đường hướng tâm gồm các nút giao như sau: Nút giao Pháp Vân - Giải Phóng - Lê Duẩn.

 

Nút giao Thanh Xuân - Nguyễn Trãi - Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng.

 

Nút giao Thanh Xuân - Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ.

 

Nút giao Trung Hòa - Đại lộ Thăng Long - Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai - Văn Cao.

 

Nút giao Mai Dịch - Xuân Thủy - Cầu Giấy - Kim Mã - Nguyễn Thái Học.

 

Nút giao Trung tâm quận Long Biên - Nguyễn Văn Cừ - cầu Chương Dương.

 

Nút giao cầu vượt đường 5 - Đàm Quang Trung - cầu Vĩnh Tuy.

 

Với hệ thống đường nội đô, sẽ căn cứ theo hiện trạng hạ tầng giao thông từng khu vực, nhu cầu vận chuyển hàng hóa thiết yếu, phạm vi phong tỏa… để đề xuất cụ thể tuyến đường bảo đảm đủ bề rộng mặt đường bố trí làn dành riêng cho các phương tiện ưu tiên.

Bùi Tuấn