Phú Thọ: Thiếu niên phải nhập viện cấp cứu do nuốt phải hạt mít

Lã Thị Thúy hằng
Bệnh nhân T.Y.N (17 tuổi, trú tại xã Trung Sơn, huyện Yên Lập) đã nhập viện trong tình trạng buồn nôn, nôn nhiều. Theo người nhà của N, nguyên nhân là do N đã ăn mít, không may nuốt cả hạt.

a4-1661268987.jpg

Không ít trường hợp đã phải nhập viện do không may nuốt hạt hoa quả.

Qua nhận định, dị vật trong dạ dày có kích thước lớn, không lọt qua được môn vị, chỉ di chuyển qua lại bên trong dạ dày gây kích thích nôn cho người bệnh.

Sau đó, các bác sỹ Gây mê hồi sức và Nội soi tiêu hóa của TTYT huyện Yên Lập đã nhanh chóng tiến hành gây mê và nội soi dạ dày của N.

Qua đó, phát hiện thấy trong dạ dày có dị vật là hạt mít tròn, nhẵn, bác sỹ đã sử dụng thiết bị vợt chuyên dụng lấy dị vật ra thành công.

Qua sự việc của bệnh nhân trên, BS Trần Thế Hảo - Khoa Khám bệnh, Trung tâm Y tế huyện Yên Lập (Phú Thọ) khuyến cáo: Với những đồ ăn có hạt, vỏ, xương, cuống thì nên loại bỏ chúng trước khi cho thức ăn vào miệng. Việc vừa nhai vừa nói chuyện, cười đùa cũng làm gia tăng nguy cơ bị sặc đồ ăn. Với những người cao tuổi, cần hạn chế các loại thức ăn cứng, khó nhai, nuốt để tránh gây hóc.

Trong trường hợp bị hóc, kể cả người lớn hay trẻ nhỏ, ngay lập tức cần được sơ cứu kịp thời. Theo đó, khi bị hóc, người bệnh nên sơ cứu bằng thủ thuật Heimlich. Cơ chế của biện pháp Heimlich là tạo một lực đủ mạnh ở dưới cơ hoành để đẩy được dị vật hoặc gây được cơn ho nhân tạo.

Thao tác như sau:

- Đối với trẻ nhỏ, khi bị hóc, cần đặt trẻ nằm úp trên cánh tay của người lớn. Dùng bàn tay còn lại vỗ vào lưng trẻ, vừa vỗ vừa trượt tay lên trên. Lặp lại như vậy 5 lần, sau đó lật nghiêng trẻ lại.

Quan sát miệng trẻ xem dị vật/thức ăn đã bị đẩy ra chưa, nếu chưa, dùng tiếp 2 ngón tay để ấn ngực cho trẻ. Những trẻ lớn hơn (5-7 tuổi), bố mẹ đặt con lên đùi và thực hiện thao tác tương tự.close

- Đối với người lớn, để người bệnh đứng thẳng, hướng về phía trước, người cấp cứu đứng phía sau, hai tay ôm bụng sát trên xương ức của người bệnh. Từ phía sau, dùng cả thân người mình giật mạnh từ trước ra sau và từ dưới lên trên, làm tăng áp lực trong lồng ngực tống dị vật ra ngoài.

Lưu ý, động tác cần được thực hiện nhanh và dứt khoát.

Sau khi thực hiện thao tác cấp cứu ban đầu, nếu người bệnh vẫn trong tình trạng khó thở, tím tái, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.

T.Hằng