Phẫu thuật miễn phí 10.000 bệnh nhi sứt môi, hở vòm miệng

Lã Thị Thúy Hằng
Ngày 26/8, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM tổng kết chương trình Phẫu thuật điều trị toàn diện 10.000 trường hợp trẻ em mắc dị tật khe hở môi - vòm. Đây được xem là hành trình tìm lại nụ cười cho hơn 10.000 trẻ em bị dị tật bẩm sinh này.

Theo Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 Nguyễn Thanh Hùng, Bệnh viện Nhi đồng 1 là một trong những bệnh viện hàng đầu cả nước trong điều trị khe hở môi - vòm. Từ năm 2007 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 cùng với Tổ chức nhân đạo hỗ trợ điều trị dị tật khe hở môi - vòm lớn nhất thế giới Smile Train phẫu thuật miễn phí cho 10.000 trường hợp trẻ sứt môi, hở vòm miệng. "Cột mốc 10.000 ca phẫu thuật khe hở môi - vòm là công sức và tâm huyết của các thế hệ thầy thuốc cùng hiệu quả của chính sách bảo hiểm y tế, sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ", bác sĩ Hùng chia sẻ.

Vừa kết thúc ca phẫu thuật lần thứ 2 được hơn một tuần, bé gái Nguyễn Minh Thư (22 tháng tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) cùng ba chuẩn bị làm thủ tục xuất viện. Anh Nguyễn Văn Kịch, ba của Minh Thư cho hay, con gái anh phát hiện sứt môi hở vòm từ khi trong bụng mẹ; tin tưởng vào trình độ của các y, bác sĩ nên anh chị quyết định giữ con lại, không bỏ thai. Sau sinh hơn 6 tháng, bé Minh Thư được phẫu thuật lần thứ nhất và vừa kết thúc ca phẫu thuật lần thứ 2. Vòm môi bị sứt giờ đã bắt đầu lành lại, con đã có thể ăn uống bình thường như bao đứa trẻ khác. "Con không may bị dị tật bẩm sinh là một thiệt thòi rất lớn nên giờ đây nhìn thấy môi con lành lặn, chúng tôi rất vui. Gia đình biết ơn các bác sĩ nhiều lắm", anh Kịch chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, dị tật khe hở môi - vòm có nguyên nhân do di truyền, môi trường... với tỷ lệ mắc bệnh là 1%. Bệnh thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh, do sự thiếu kết nối của 5 nội mạch trong bào thai. Tại Việt Nam, mỗi năm có 1,5 triệu trẻ chào đời thì khoảng 3.000 trường hợp bị khe hở môi - vòm. Trẻ bị hở môi - vòm thường không bú mẹ được vì dễ bị sặc, phải nuôi dưỡng bằng công cụ hỗ trợ. Trẻ cũng rất dễ bị rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng, còi cọc, chậm lớn, bệnh lý tai mũi họng khiến trẻ nghe kém. Nếu không can thiệp kịp thời, trẻ sẽ kém thể chất lẫn trí tuệ.

Theo bác sĩ Đẩu, việc điều trị trẻ sứt môi - vòm phải có tính toàn diện, sao cho đạt các tiêu chuẩn thẩm mỹ, chức năng ăn uống tốt và giọng nói tròn vành, để các bé có thể trạng khỏe mạnh và sự ổn định tâm lý, tự tin hòa nhập với cuộc sống trong tương lai.

a3-1661522759.jpg

Một bệnh nhi mắc dị tật khe hở môi - vòm đã được phẫu thuật biểu diễn trong Lễ tổng kết chương trình Phẫu thuật điều trị toàn diện 10.000 trường hợp trẻ em mắc dị tật khe hở môi - vòm của Bệnh viện Nhi đồng 1.

Cũng trong ngày 26/8, với sự hỗ trợ của Smile Train, Bệnh viện Nhi đồng 1 đưa vào hoạt động Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo về chăm sóc toàn diện khe hở môi - vòm nhằm điều trị một cách toàn diện nhất, giúp trẻ lấy lại sự tự tin trong cuộc sống, thành công hơn trong tương lai.

L.Hằng