Tạo lập không gian sống văn minh
Phát biểu khai mạc hội thảo, Trưởng Ban tổ chức - TS. Nguyễn Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội - cho biết: Cùng với tốc độ đô thị hóa, sự phát triển sôi động của thị trường BĐS, quan niệm về không gian sống của chủ đầu tư đến nhu cầu sở hữu của phần lớn khách hàng đã có nhiều thay đổi. Do đó, việc đi tìm lời giải để tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô Hà Nội là yêu cầu bức thiết, đáp ứng nhu cầu thiết thực cuộc sống hiện đại.
"Chúng tôi kỳ vọng với những phân tích, đánh giá, nhận định về thị trường BĐS, xây dựng và các lĩnh vực liên quan,… để tất cả chúng ta, không chỉ doanh nghiệp, không chỉ các cấp chính quyền, cơ quan chức năng,… mà tất cả cộng đồng cùng chung tay tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô Hà Nội", TS. Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.
Hội thảo tập trung vào 3 vấn đề chính: Thực trạng và dự báo thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội; Vai trò của Nhà nước trong quản lý và hỗ trợ đối với doanh nghiệp đầu tư, phát triển thị trường BĐS Hà Nội; Những kiến nghị và giải pháp về phía Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng trong việc phát triển thị trường BĐS, tạo lập không gian sống văn minh trên địa bàn Thủ đô.
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề về quy hoạch, quản lý, phát triển thị trường BĐS cũng được xới lên. Nhìn chung các tham luận đều nhận định, trong thời gian qua, công tác quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu quan trọng, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội. Bộ mặt đô thị của Thủ đô đã có nhiều đổi thay, không gian đô thị phát triển rộng hơn, nhiều khu đô thị mới, hiện đại mọc lên với nhiều tiện ích phục vụ nhu cầu cho cư dân. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn: công tác quy hoạch, quản lý đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - văn hóa, cải thiện dân sinh và bảo vệ môi trường...
Vì vậy, việc phát triển thị trường BĐS - tạo lập không gian sống văn minh, theo các chuyên gia, chính là tổ chức lại cuộc sống của dân cư, cải thiện điều kiện sống, tăng mức độ tiếp cận của người dân với các dịch vụ công; tạo môi trường sống tốt hơn, hợp lý, hài hòa với không gian kiến trúc, cảnh quan xung quanh; phù hợp với sự phát triển chung của đô thị đặc biệt nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng Thủ đô có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại và nghĩa tình.
Nhà ở xã hội - điểm sáng BĐS Thủ đô
Trong 5 năm trở lại đây, thị trường BĐS Hà Nội phát triển thực sự sôi động, hội tụ nhiều phân khúc khác nhau, từ nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, BĐS trung cấp, cao cấp đến BĐS nghỉ dưỡng,... tạo nên những khu vực dân cư với môi trường sống văn minh, tiện lợi và hiện đại. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây thực sự là những công trình BĐS tạo ra những giá trị thặng dư bởi tiện ích, dịch vụ đồng bộ, đã và đang góp phần nâng tầm chất lượng sống đô thị.
Trong đó, phân khúc nhà ở xã hội là một điểm nhấn rõ nét của TP.Hà Nội, đã góp phần giải quyết cho hàng chục nghìn người lao động thu nhập thấp có nhà ở. Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến hết năm 2016, trên địa bàn Thành phố đã có 37 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành, cung cấp khoảng 1.376.000m2 sàn nhà ở phục vụ cho các đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội theo quy định tại Luật Nhà ở và các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan. Hiện nay, có 48 dự án nhà ở xã hội đang triển khai (dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020) với khoảng 3.374.000m2 sàn.
Đặc biệt, năm 2017, BĐS Hà Nội đã có sự chuyển hướng đầu tư mạnh mẽ từ phân khúc cao cấp sang phân khúc tầm trung và giá rẻ. Theo số liệu của giới đầu tư BĐS, phân khúc này sẽ dẫn đầu thị trường khi mà đạt mức gần 62% trong tổng nguồn cung; các giao dịch mua bán ở hai phân khúc tầm trung và giá rẻ cũng vì thế mà trở nên sôi động hơn nhiều. Hiện nay nhà đầu tư tại Hà Nội đã không còn chọn phương án “lướt sóng” như trước vì nguồn cung tương đối dồi dào, nhiều người chọn phương án đầu tư lâu dài bền vững hơn bằng cách đầu tư căn hộ để cho thuê.
Đánh giá về BĐS Hà Nội, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng: “Với sự phát triển sôi động của bất động sản, các dãy nhà cửa thấp lụp xụp, những cánh đồng bỏ hoang, những nhà máy trong khu dân cư khói bụi…đã dần được thay thế bằng những khu đô thị hiện đại văn minh, những cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại… sang trọng. Qua đó cho thấy, BĐS không chỉ phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, của xã hội mà còn gián tiếp xây dựng hình ảnh quốc gia năng động, phát triển. Đây chính là thành quả của lĩnh vực BĐS của các doanh nghiệp BĐS và của các cấp chính quyền TP.Hà Nội".
Dự báo năm 2018, thị trường BĐS Hà Nội sẽ nguồn cung BĐS sẽ có sự đảm bảo, tuy nhiên vẫn còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề. Đặc biệt là số lượng dự án xếp hàng thi công và chờ cấp phép đang rất nhiều, do đó việc cạnh tranh ngày càng gay gắt. Song năm 2018, Việt Nam chính thức mở cửa thị trường bán lẻ, đây sẽ là tiền đề cho việc các nhà đầu tư bán lẻ nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam. Điều này sẽ tác động mạnh mẽ đến phát triển BĐS, nhất là BĐS Hà Nội, do tính thanh khoản cao, lợi nhuận lớn nên đây cũng là tiền đề cho chu kỳ 10 năm phát triển của bất động sản trong tương lai.