Phát triển giao thông công cộng TP. HCM chi gần 400.000 tỉ đồng

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - TP. HCM dự kiến trong giai đoạn 2021-2030 chi 393.792 tỉ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông công cộng để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng là nền tảng vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Có kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại, kết nối đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách… thì nền kinh tế mới có điều kiện để tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững. Việc phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước một bước” là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn, vừa nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, vừa tạo điều kiện bứt phá nhanh trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ của đất nước.

Theo Sở GTVT TP.HCM, nhiều năm qua TP đã có từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ giao thông công cộng từng bước phát triển qua đầu tư phương tiện, hợp lý hóa luồng tuyến, chính sách trợ giá xe buýt…

Tuy nhiên, TP đang đứng trước khó khăn là lượng phương tiện cơ giới tăng nhanh, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) đạt tỉ lệ thấp. Bên cạnh đó, tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường không khí tiếng ồn do hoạt động giao thông vận tải gia tăng.

5-chot-5-15930060562121539293960-15943626430951292375599
Phát triển giao thông công cộng TP. HCM chi gần 400.000 tỉ đồng. Ảnh: Minh họa

Theo Sở GTVT, VTHKCC khối lượng lớn như metro, monorail... sẽ là chủ lực quan trọng, góp phần đảm nhận nhu cầu giao thông tại các TP lớn.

Trong giai đoạn trước mắt, VTHKCC bằng xe buýt vẫn giữ vai trò quan trọng cho đến khi các hệ thống trên hình thành theo quy hoạch (dự kiến sau năm 2030). Nhà nước cần giữ vai trò chính trong hoạt động VTHKCC, bao gồm đầu từ hạ tầng và vận hành khai thác.

Các điều kiện cần về hạ tầng đô thị, mật độ mạng lưới xe buýt, bãi giữ xe, dịch vụ cung cấp xe đạp hoặc xe mô tô điện công cộng hỗ trợ kết nối với hoạt động VTHKCC bằng xe buýt được thuận lợi... sẽ phải đạt được trước khi tổ chức hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.

Được biết, dự kiến tổng kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 là 393.792 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước là 47.644 tỉ đồng.

Nguồn lực từ ngân sách nhà nước sẽ dành ưu tiên cho phát triển VTHKCC tập trung thực hiện các nội dung: trợ giá, hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp vận tải đầu tư phương tiện, hiện đại hóa hệ thống quản lý và điều hành giao thông thông minh...

Sau khi HĐND TP thông qua chủ trương về đề án, UBND TP sẽ xác định kinh phí cụ thể từng giải pháp, xây dựng kế hoạch thực hiện và lập dự toán ngân sách, báo cáo HĐND TP để xem xét.

Bên cạnh hoàn thiện hạ tầng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Sở GTVT TP.HCM tập trung thực hiện đó là nghiên cứu giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng đáp ứng 50 - 60% nhu cầu đi lại của người dân khu đô thị sáng tạo phía đông đến năm 2040, mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị trên địa bàn các quận hướng đông.

Cụ thể, giai đoạn 2020 - 2021, TP.HCM sẽ mở mới 14 tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và đưa rước học sinh, sinh viên có trợ giá trên địa bàn TP. Trong giai đoạn tiếp theo, tiếp tục nghiên cứu mở mới 20 tuyến xe buýt theo danh mục mạng lưới tuyến đã được UBND TP phê duyệt. Đồng thời, đầu tư hệ thống xe buýt nhanh BRT bằng cách tăng cường phối hợp giám sát công tác quản lý đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hoàn thành dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM, đưa vào vận hành khai thác tuyến BRT số 1 trong năm 2021.

Đặc biệt, vai trò của tuyến metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) được nhận định rất quan trọng. Do đó, ngoài việc nghiên cứu phát triển mạng lưới xe buýt thu gom dọc tuyến metro số 1, TP đang thúc đẩy nghiên cứu mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị trên địa bàn các quận hướng đông và định hướng kéo dài tuyến metro số 1 kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.

Theo nghiên cứu của đơn vị tư vấn, dự án metro số 1 kéo dài có hướng tuyến cụ thể: từ ga Suối Tiên hiện nay kéo dài thêm 2 km đến khu vực Bình Thắng (TP.Dĩ An, Bình Dương), xây dựng 1 nhà ga tại đây, sau đó tuyến metro sẽ tách ra đi theo 2 hướng về TP.Biên Hòa (Đồng Nai) và đi trung tâm TP.Dĩ An (Bình Dương). Hướng tuyến đi về TP.Biên Hòa hiện chưa có các điểm ga cố định mà chỉ là các nhà ga giả định nên cần tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu. Đồng thời, mới đây nhóm nghiên cứu có thông tin về Khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ chuyển đổi công năng thành khu dân cư, do đó đơn vị tư vấn sẽ phải tính toán để xác định hướng tuyến và điểm xây dựng nhà ga ở khu vực này.

Hồng Ninh (T/H)