Bệnh nhân H cho biết, khoảng 1 tháng nay, bệnh nhân thi thoảng xuất hiện đại tiện phân nát, không nhày, không lẫn máu. Kèm theo đau bụng âm ỉ vùng quanh rốn, hạ vị, không quặn thành cơn.
Sau khi tiến hành xét nghiệm, nội soi đại trực tràng, các bác sĩ Bệnh viện Medlatec phát hiện bệnh nhân H bị ung thư trực tràng.
Tầm soát ung thư đại trực tràng cần làm những kỹ thuật gì?
Do triệu chứng của ung thư đại trực tràng dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác nên khi đi khám người bệnh sẽ được chỉ định các xét nghiệm, kỹ thuật chuyên dụng để được theo dõi, chẩn đoán chính xác.
Thông thường các xét nghiệm, kỹ thuật được chẩn đoán, tầm soát ung thư đại trực tràng gồm: Xét nghiệm CEA; Xét nghiệm: Tìm máu ẩn trong phân, sinh thiết; Nội soi trực tràng và chụp cắt lớp vi tính.
Trường hợp của bệnh nhân H, sau khi hội chẩn với PGS.TS Đoàn Hữu Nghị - Nguyên Giám đốc bệnh viện E, Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện K, Phó Chủ tịch hội Ung thư Hà Nội, Chuyên gia Ung bướu – Bệnh viện Đa khoa Medlatec, bệnh nhân H đã được chỉ định chụp cắt lớp vi tính đánh giá thêm.
Theo ThS.BS Đỗ Đức Linh - Chuyên gia Chẩn đoán hình ảnh, BVĐK Medlatec cho biết: Chụp cắt lớp vi tính trong bệnh lý ung thư đại trực tràng có ý nghĩa rất quan trọng để đánh giá chính xác kích thước, vị trí của tổn thương; đánh giá mức độ xâm lấn ra các cơ quan lân cận; đánh giá tổn thương di căn các hạch cũng như các tạng ở xa như gan, phổi, xương... Từ đó giúp bác sĩ đưa ra hướng điều trị thích hợp cho bệnh nhân. Chính vì vậy, chụp cắt lớp vi tính có vai trò quan trọng trong đánh giá giai đoạn bệnh, để từ đó có phác đồ điều trị thích hợp.
Hình ảnh chụp CT128 dãy có tiêm thuốc cản quang của bệnh nhân H cho thấy ngoài tổn thương ung thư trực tràng, bệnh nhân còn có vài hạch trong ổ bụng và khoang sau phúc mạc. Điều này giúp bác sĩ có định hướng tốt hơn trong cuộc phẫu thuật cắt bỏ khối u sau này.
Ung thư đại trực tràng phát hiện sớm cơ hội sống kéo dài 10 năm
PGS Nghị chia sẻ, ung thư đại trực tràng xếp thứ 2 thế giới về số lượng người mắc, ngang hàng với ung thư gan nguyên phát. Tuy nhiên, khả năng chữa khỏi ung thư đại tràng cao hơn so với các bệnh ung thư đường tiêu hóa khác.
Các chuyên gia ghi nhận, số bệnh nhân ung thư đại tràng sau phẫu thuật sống thêm được 5 năm nhiều hơn bệnh nhân ở ung thư gan, ung thư dạ dày hay ung thư thực quản. Trường hợp của bệnh H đã rất may mắn phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm nên cơ hội kéo dài sự sống của bệnh nhân sẽ được tới 10 năm.
Từ trường hợp của bệnh nhân H, PGS Nghị khuyến cáo: Ung thư đại trực tràng là bệnh ung thư đường tiêu hóa phổ biến, thường xuất hiện ở người có độ tuổi từ 40 trở lên. Giống như hầu hết các loại ung thư khác, ung thư đại trực tràng thường không biểu hiện các triệu chứng đặc hiệu ở giai đoạn sớm.
Các biểu hiện sớm hay gặp như rối loạn tiêu hóa không điển hình lẫn với các triệu chứng bệnh khác: ợ hơi, chậm tiêu, chướng bụng, đau bụng nhẹ, rối loạn đi ngoài: hay mót đại tiện, táo bón, khó rặn,... Các rối loạn bài tiết phân: táo bón hay đi phân lỏng bất thường, kéo dài, phân nhỏ so với bình thường, có máu trong phân; các dấu hiệu khác mệt mỏi, sụt cân,...
Do vậy, tầm soát ung thư đại trực tràng nên được thực hiện định kỳ, ngay cả khi cơ thể bạn không xuất hiện các dấu hiệu nói trên. Thời gian thực hiện tầm soát là 6 tháng/lần, nhất là những nhóm có nguy cơ cao như:
+ Người trên 50 tuổi.
+ Cá nhân hoặc người thân trong gia đình có tiền sử bệnh lý liên quan đến đường ruột, polyp đại tràng, polyp trực tràng, ung thư đại trực tràng,…
+ Người thường xuyên bị táo bón, đại tiện ra máu không rõ nguyên nhân.
+ Người có lối sống ăn uống không lành mạnh, thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia,…
+ Người bị viêm loét đại trực tràng, có tiền sử mắc bệnh Crohn.