Lần đầu bé B.T.A, sinh năm 2010, quê ở Kiến An, Hải Phòng đến Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Medlatec khám vào tháng 12/2016, do 2 mắt nháy nhiều, nhìn sát tivi và sách truyện.
Trực tiếp khám và tư vấn cho bé là BSCKI. Đoàn Thu Hiền - Trưởng Chuyên khoa Mắt, kiểm tra thị lực lúc đó cả hai mắt chỉ có 3/10. Trước tình trạng bất thường của thị lực, bé được kiểm tra khúc xạ, chỉnh kính thị lực mỗi mắt chỉ tăng lên 7/10. Khám tại mắt thì chưa phát hiện các bệnh về mắt có thể gây giảm thị lực có kính. Vì vậy, bác sĩ chẩn đoán hai mắt nhược thị do tật khúc xạ (viễn loạn thị) kèm theo hẹp khe mi. Bé được cấp đơn kính viễn loạn thị để bắt đầu quá trình điều trị nhược thị.
“Trường hợp này rất may mắn do có bà rất hiểu, phối hợp và quyết tâm điều trị bệnh mắt cho cháu. Chính nhờ đeo kính điều trị và sự kiên trì tập luyện theo bài tập mà bác sĩ đã hướng dẫn tập cho bé ở nhà: tô màu, vẽ tranh, xâu chuỗi hạt,... nên thị lực được cải thiện rõ rệt theo thời gian”, BS Hiền cho biết.
Ròng rã 5 năm khám và luyện tập cùng cháu, trong lần kiểm tra sức khỏe định kỳ của năm thứ 5, bà nội của bé vui vẻ trước kết quả kỳ diệu này: “Kiên trì từ khi cháu học lớp 1 đến giờ được 5 năm, trong khoảng thời gian này, cứ đều đặn 3 tháng gia đình đưa cháu đi kiểm tra định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi bé học lớp 4, BS Hiền đã bảo tôi thị lực của cháu đạt 10/10. Thật sự tôi thấy đây là sự kỳ diệu tuyệt vời khi mắt từ nhìn mờ, thị lực chỉ có 3/10, rồi 4/10 và nay sáng hẳn lên 10/10. Giờ đây cháu không cần đeo kính, không cần uống thuốc, nhưng cần phải rèn luyện để mắt giữ được thị lực”.
Viễn loạn thị - Phát hiện sớm trẻ nhỏ mắc như thế nào?
Viễn loạn thị là tình trạng người bệnh mắc cả tật viễn thị và loạn thị đồng thời (còn gọi chung là tật khúc xạ ở mắt) - là một trong những nguyên nhân gây giảm thị lực thường gặp ở trẻ nhỏ hiện nay. Viễn loạn thị là mắt mắc đồng thời cả tật viễn thị và tật loạn thị. Mắt bị viễn thị nhẹ chỉ có thể nhìn rõ được những vật ở xa, những vật ở khoảng cách gần khi nhìn sẽ bị mờ, mắt bị nhòe đi và không thể thấy rõ. Nếu mắt bị viễn thị cao thì nhìn xa và nhìn gần đều bị mờ. Loạn thị là tật khúc xạ ở mắt khi nhìn vật có cảm giác mờ và méo mó hình ảnh.
Trẻ nhỏ mắc viễn thị loạn phần lớn có yếu tố bẩm sinh, nên việc phát hiện sớm có ý nghĩa quan trọng, nhằm hạn chế trẻ mắc nhược thị do viễn loạn thị gây ra.
BS Hiền lưu ý, khi trẻ bị viễn loạn thị thường có các biểu hiện: Nheo mắt, nghiêng đầu, vẹo cổ khi nhìn, đôi khi có thể có biểu hiện nhức đầu, nhức mắt khi nhìn gần nhiều,… Trong lớp học trẻ không nhìn rõ trên bảng, hay cúi đầu lại gần sách để nhìn cho rõ, hay chép nhầm bài, đọc nhầm chữ thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Bởi vậy, nếu phát hiện con có những biểu hiện bất thường này bố mẹ nên cho con đi khám BS chuyên khoa Mắt ở cơ sở y tế uy tín để khám và kiểm tra kịp thời, chính xác. Khi được BS mắt chẩn đoán trẻ bị nhược thị thì bố mẹ cần xác định phải điều trị sớm cho trẻ và rất cần sự kiên trì, nhẫn nại, phối hợp tốt với bác sĩ nhằm phục hồi thị lực cho con.
Theo BS Hiền, một số biện pháp được áp dụng để phòng ngừa và giảm tỷ lệ mắc các tật khúc xạ, gồm:
- Xây dựng lối sống khoa học tốt cho mắt: Nơi học tập, làm việc cần đủ ánh sáng với sự phân bố và cường độ tốt, không gây lóa mắt; Kích thước của bàn, ghế phải phù hợp với từng người; Cho mắt thư giãn nghỉ ngơi sau thời gian học tập hoặc làm việc quá dài bằng cách nhắm mắt lại tự nhiên như ngủ khoảng vài phút, nhìn ra xa trên 5m, hoặc đi lại trong phòng,...;
- Vệ sinh mắt bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý mỗi ngày;
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là các thực phẩm có chứa vitamin A như gan động vật, trứng gà, trứng vịt, các lại rau quả có màu đỏ, cam, vàng như cà chua, gấc, cà rốt, bí đỏ,… và các loại rau có màu xanh lục;
- Duy trì luyện tập, tập thể dục cho mắt;
- Nếu đã mắc tật khúc xạ thì nên đeo kính theo theo đơn BS kê, không đeo kính của người khác vì có thể không phù hợp với tình trạng mắt của mình.