Phát hiện hơn 48.000 ca mắc bệnh lao trong 6 tháng đầu năm

Lã Thị Thúy Hằng
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lao là căn bệnh truyền nhiễm hàng đầu trên thế giới, nguy hiểm như HIV/AIDS. Theo Bộ Y tế, hàng năm, Việt Nam vẫn ghi nhận hàng nghìn trường hợp mắc lao mới, thậm chí có nhiều đối tượng mắc lao chưa được phát hiện và đang tiếp tục lây truyền bệnh trong cộng đồng.

aa-1662910735.jpg

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết: Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban Điều hành phòng, chống lao cho biết, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 10 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo WHO 2021).

Trong thời gian dịch bệnh COVID-19, số phát hiện lao giảm tới 23%, làm xuất hiện những ca lao nặng đến rất nặng, thậm chí tử vong. Đến nay, khi dịch bệnh COVID-19 đã tạm lắng, làm sao để bù đắp số phát hiện lao giảm trong thời gian dịch vừa qua. Đây là một thách thức không nhỏ, nhưng không phải không làm được.

Theo thông tin từ Chương trình chống lao Quốc gia, 6 tháng đầu năm đã phát hiện 48.056 ca mắc lao, cao hơn cùng kỳ năm 2020 và 2021. Điều này cho thấy sự phục hồi khả năng phát hiện bệnh đang diễn ra. Để đạt được con số phát hiện lao 100.000 ca trong năm nay là có khả năng.

ab-1662910845.jpg

Bệnh lao cần được hỗ trợ trong quá trình điều trị.

Theo PGS.TS Nguyễn Bình Hòa - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, trong số những bệnh nhân lao, đối tượng bệnh nhân là trẻ em được phát hiện rất thấp, chỉ chiếm 1%. Theo ước tính với tỷ lệ mắc lao như ở Việt Nam tỷ lệ phát hiện lao trẻ em phải đạt từ 5 - 6%.

Bên cạnh một số địa phương làm rất tốt công tác phát hiện sớm bệnh lao, vẫn có những địa phương tỷ lệ phát hiện lao cao nhưng số người điều trị lại thấp, đặc biệt nguy hiểm ở các thể lao như lao siêu kháng, lao đa kháng hay lao trẻ em… Nguyên nhân một phần là do bác sĩ chưa tư vấn kỹ cho người dân, mặt khác người dân quá chủ quan với căn bệnh này. Đây là căn bệnh có thuốc chữa và có thể chữa khỏi.

Do đó, để thúc đẩy phát hiện lao hiệu quả, theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, chỉ có toàn tuyến mạnh thì cả hệ thống mới mạnh. Thời gian tới, để đạt dấu mốc phát hiện ca bệnh lao mới, cần đẩy mạnh phát hiện chủ động tại cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế tập trung vào các nhóm nguy cơ cao nhằm tăng cường phát hiện tối đa các bệnh nhân lao trong cộng đồng, đưa vào điều trị sớm, nhằm cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao. Ngoài ra những người được chẩn đoán loại trừ bệnh lao và đủ điều kiện cần được thu nhận điều trị lao tiềm ẩn, nhằm lao nguy cơ chuyển từ nhiễm sang bệnh lao.

Bên cạnh đó, ngày 1/7, Chương trình Chống lao quốc gia đã thực hiện chuyển giao cơ chế cung ứng thuốc lao từ nguồn ngân sách Nhà nước sang nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT), mở ra một cơ chế tài chính bền vững và hiệu quả hơn cho người bệnh lao.

Trong giai đoạn tiếp theo, Chương trình Chống lao quốc gia sẽ tiếp tục đôn đốc, hỗ trợ địa phương hoàn thiện các điều kiện kiện toàn cơ sở y tế để bảo đảm đủ điều kiện thực hiện khám chữa bệnh lao thanh toán BHYT, tập trung hỗ trợ địa phương trong việc quản lý điều tiết sử dụng thuốc chống lao hàng 1 nguồn BHYT để bảo đảm có đủ thuốc sử dụng cho người bệnh.

Đến nay, 51/63 tỉnh, TP trên toàn quốc đã thành lập bệnh viện phổi, bệnh viện lao và bệnh phổi. Chương trình Chống lao quốc gia vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận, huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%.

L.Hằng