Hà Nội: Phát động chiến dịch tổng vệ sinh môi trường phòng sốt xuất huyết

Nguyễn Diệp Linh
Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, các địa phương trên địa bàn Hà Nội đã tăng cường triển khai tổng vệ sinh, thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh vào mùa cao điểm.

Ngày 27/9, UBND quận Tây Hồ tổ chức lễ phát động chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2022.

Thông tin tại buổi lễ cho biết, hiện dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Hà Nội đang có xu hướng tăng. Riêng tại quận Tây Hồ, tính từ đầu năm đến ngày 23/9, toàn quận đã có 105 ca mắc sốt xuất huyết với 14 ổ dịch tại tất cả các phường trên địa bàn.

received1066565740690155-1664273759352568249088-1664326256.jpegQuận Tây Hồ phát động chiến dịch tổng vệ sinh môi trường để diệt muỗi, bọ gậy. Ảnh: VGP
 

Bà Bùi Thị Lan Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, xác định là địa bàn có nguy cơ cao của thành phố về dịch bệnh sốt xuất huyết, từ tháng 9 đến hết tháng 10-2022, quận tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, chủ động diệt muỗi, bọ gậy tại 8/8 phường.

Chiến dịch này sẽ thực hiện tổng vệ sinh môi trường đồng loạt và triệt để ở 100% các phường, các cơ quan đơn vị, xí nghiệp, trường học, công trình công cộng, công trường xây dựng... Đây là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Đợt này, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của quận Tây Hồ cũng thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát đôn đốc việc thực hiện chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy của các phường và các cơ quan đơn vị, xí nghiệp trên địa bàn.

Không chỉ quận Tây Hồ, huyện Gia Lâm cũng phát động chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, phòng chống sốt xuất huyết. Theo báo cáo của Phòng Y tế huyện Gia Lâm, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Gia Lâm đã ghi nhận 87 ca sốt xuất huyết , trong đó 74 ca đã ra viện, 13 ca đang điều trị; số ca mắc tăng gấp 5,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Toàn huyện đã xuất hiện 9 ổ dịch, trong đó 6 ổ dịch đã kết thúc, còn 3 ổ dịch đang hoạt động tại thị trấn Yên Viên, xã Kim Lan, Dương Quang.

Cơ quan chuyên môn đánh giá, bệnh sốt xuất huyết thường khởi phát đột ngột, có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Hiện nay, công tác phòng chống dịch gặp rất nhiều khó khăn do chưa có vaccine phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phương pháp kiểm soát sốt xuất huyết chủ yếu sử dụng các biện pháp xua muỗi, diệt muỗi, diệt bọ gậy và sử dụng các biện pháp hoá học khi xuất hiện các ổ dịch.

Chính vì vậy, cần có sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy đảng, sự phối hợp chặt chẽ của phòng, ban, ngành, đoàn thể từ huyện tới cơ sở và sự tham gia của toàn dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường để đạt được mục tiêu khống chế, không để dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát, lan rộng ra cộng đồng.

Cụ thể, ngành y tế theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn và thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn trong phòng chống dịch. Bệnh viện đa khoa huyện Gia Lâm cần chuẩn bị cơ số thuốc, trang thiết bị, sẵn sàng thu dung, điểu trị kịp thời bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Phòng Văn hóa Thông tin và Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao cần phối hợp với các ngành chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống dịch bệnh.

5a0ba7a2-3338-480e-ad1f-99127cd64446-1664326573.jpgCán bộ y tế hướng dân người dân các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Kinh tế đô thị

Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo triển khai tích cực các hoạt động phòng chống dịch trong các nhà trường; tổ chức các đợt tổng vệ sinh môi trường tại các trường học; trước mắt chỉ đạo triển khai phu thuốc diệt muỗi ở 100% các trường học, kể cả các trường tư thục trên địa bàn…

Đối với các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, Phó Chủ tich UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng đề nghị cần chủ đông xây dựng và triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Tổ chức các chiến dịch tổng vê sinh môi trường; xây dựng mạng lưới công tác viên phòng chống sốt xuất huyết.

Tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, các gia đình thường xuyên diệt bọ gậy hằng tuần tại gia đình và xung quanh; kiểm tra diệt bọ gậy tại các khu vực công cộng theo hướng dẫn của ngành y tế. Đồng thời cương quyết xử lý đối với cá nhân, tập thể không hợp tác, không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch.

Huyện Thường Tín cũng là một trong những địa phương có ca mắc sốt xuất huyết cao trong những tuần gần đây. Hiện nay, toàn huyện có tổng số 242 ca ở 16 ổ dịch tại 11 xã, trong đó có 07 ổ dịch đã kết thúc. Xã Khánh Hà là địa phương có số ca mắc cao nhất với 78 ca.

Nhằm ngăn chặn không để dịch sốt xuất huyết bùng phát trên địa bàn, huyện Thường Tín và đang triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch sốt xuất huyết với các tình huống cụ thể, nhằm triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, bao gồm các tình huống: Chưa có dịch trên quy mô xã, thị trấn, trong đó có tình huống khi chưa có bệnh nhân, khi có bệnh nhân nhưng chưa có ổ dịch, khi xuất hiện ổ dịch; có dịch trên quy mô xã, thị trấn; dịch bùng phát, lan rộng ra cộng đồng.

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của huyện thường xuyên kiểm tra, nắm bắt thông tin, giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến của dịch theo các xã, thị trấn được phân công phụ trách để chỉ đạo kịp thời.

Trung tâm Y tế huyện cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết theo từng dấu hiệu cụ thể của dịch; đảm bảo trang thiết bị, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch đầy đủ, kịp thời, phát hiện nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn. Đồng thời kiện toàn đội đáp ứng nhanh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và CDC Hà Nội, bố trí đầy đủ nhân lực tham gia công tác phòng, chống dịch, công tác giám sát, điều tra và xử lý ổ dịch; giám sát chặt chẽ tình hình dịch tại các cơ sở khám, chữa bệnh được phân cấp và tại cộng đồng để khoang vùng xử lý kịp thời.

Đồng thời chỉ đạo cán bộ được phân công phụ trách các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với trạm y tế kiểm tra, rà soát, xử lý triệt để các ổ bọ gậy tại những khu vực có nguy cơ cao, khu vực công cộng, khu dân cư.

Bệnh viện Đa khoa huyện cũng đang thực hiện tốt việc phân luồng khám bệnh, tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân... hạn chế các trường hợp diễn biến nặng, tử vong xảy ra.

Bên cạnh đó, 1.280 đội xung kích diệt bọ gậy và các hội, đoàn thể của 29 xã, thị trấn thường xuyên tiến hành vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các điểm có nguy cơ cao.

Hạnh (T/h)