Nữ giáo viên liệt tứ chi, suy hô hấp sau trận sốt cao

Nguyễn Diệp Linh
Sau trận sốt cao, đau đầu, cô giáo bị liệt tứ chi, suy hô hấp phải đặt ống nội khí quản thở máy, chẩn đoán viêm thân não.

Bệnh nhân là nữ, 47 tuổi, quê gốc Hòa Bình, là giáo viên mầm non công tác ở xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên.

Trước đó, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, liệt tứ chi tăng dần, suy hô hấp phải đặt ống nội khí quản thở máy. Sau đó bệnh nhân được vận chuyển từ Điện Biên về tuyến trung ương điều trị.

Khi nhập bệnh viện tuyến trung ương, bệnh nhân trong tình trạng liệt toàn thân, liệt cơ hô hấp, rối loạn thân nhiệt, được chẩn đoán viêm thân não cấp, tiên lượng tử vong và tàn phế rất cao.

Bệnh nhân được điều trị tích cực, mở khí quản và sử dụng các thiết bị hỗ trợ hiện đại như: máy thở, máy thay huyết tương, máy hạ thân nhiệt chỉ huy, máy nội soi phế quản ống mềm, chăm sóc hô hấp, phục hồi chức năng.

Sau 2 tuần điều trị, tình trạng sốt được kiểm soát nhưng bệnh nhân vẫn liệt tứ chi, liệt cơ hô hấp phải thở hoàn toàn theo máy, gần như bất động hoàn toàn từ cổ trở xuống.

Nếu tình trạng liệt kéo dài, bệnh nhân sẽ đối diện với nguy cơ tử vong và tàn phế cao. Đặc biệt là nguy cơ xẹp phổi do tắc đờm, nhiễm khuẩn phổi, loét vùng tỳ đè do nằm bất động kéo dài, teo cơ, cứng khớp...

Bệnh nhân được hội chẩn để chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình điều trị tiếp với hy vọng một điều may mắn sẽ đến với người bệnh.

Theo TS.BS Hoàng Công Tình - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BVĐK tỉnh Hòa Bình, trong thời gian hơn 2 tháng điều trị tích cực tại bệnh viện, bệnh nhân được điều trị bằng thở máy, nội soi phế quản ống mềm bơm rửa phổi, vật lý trị liệu - phục hồi chức năng hô hấp, phục hồi chức năng vận động.

"Quá trình cai máy của bệnh nhân vô cùng khó khăn do bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở. Quá trình chăm sóc, thay đổi tư thế để phòng chống loét cho bệnh nhân cũng đòi hỏi rất nhiều nhân lực và sự tâm huyết của đội ngũ nhân viên y tế" - BS. Tình nói.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân.Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Sức khỏe Đời sống

Hiện tại, bệnh nhân đã cai được máy thở, rút được ống mở khí quản, tỉnh táo hoàn toàn, ăn uống được, chân tay vận động tốt, không bị loét do tỳ đè. Bệnh nhân đang tập đi, đứng trở lại và đã được xuất viện.

Trao đổi với VietNamNet ngày 11/1, Tiến sĩ Hoàng Công Tình, cho hay đây là ca bệnh hiếm gặp. Viêm thân não là một thể của viêm não cấp, rất nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong và tàn phế cao. Bệnh thường do virus, một số ít có thể do vi khuẩn.

Thân não ở vị trí thấp nhất của não bộ, tiếp giáp với tủy sống. Vùng thân não bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến quá trình vận động và cảm giác từ vùng cổ trở xuống.

Nguy hiểm nhất của bệnh lý này là tình trạng liệt cơ hô hấp gây ngừng thở, phụ thuộc máy thở; liệt tứ chi gây loét do tỳ đè, gây teo cơ cứng khớp.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong những trường hợp nặng, bệnh nhân viêm não có thể có sốt cao và kèm theo các tiệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm nhức đầu dữ dội; buồn nôn và nôn mửa; cứng cổ; co giật; rối loạn nghe nói...

Bệnh nhân có thể lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, có ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê.

Ở trẻ nhỏ, các dấu hiệu trên không điển hình, khó phát hiện tuy nhiên vẫn có một số dấu hiệu quan trọng giúp định hướng chẩn đoán, gồm: Nôn mửa, thóp phồng (nếu còn thóp), khóc không thể dỗ nín hoặc khóc tăng lên khi trẻ được bồng lên hoặc làm thay đổi tư thế, gồng cứng người.

Viêm não có thể xuất hiện sau hoặc đi kèm với các chứng nhiễm virus nên đôi khi có những triệu chứng đặc trưng của các bệnh này trước khi có viêm não. Tuy vậy, viêm não thường xuất hiện mà không có triệu chứng báo trước.

Hạnh (T/h)