"Cháu lớn nhà mình được 1 tuổi chỉ có 7 cân thôi, bé thứ hai thì mới sinh được 1 tuần. Ở nhà không có gì ăn, chủ yếu là ăn cơm với rau thôi" - chị Dúa nói.
Cách đó không xa, hoàn cảnh nhà bà Vàng Thị Sơ, ở thôn Ngải Phóng Chồ, xã Sín Chéng cũng rất nan giải. Gia đình khó khăn, lại neo người, một tay bà Sơ chăm 3 cháu nhỏ bằng những kinh nghiệm xưa cũ, nên cả 3 đều bị suy dinh dưỡng thể thấp còi.
Bà Sơ nói: "Các con đi làm ăn xa hết, một mình bà ở nhà nuôi các cháu, nhà có gì ăn nấy thôi".
Những gia đình như chị Dúa, bà Sơ không hiếm gặp ở một xã vùng cao có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% như Sín Chéng.
Theo chị Ly Thị Vế - cán bộ Trạm Y tế xã, không chỉ khó khăn về kinh tế, kiến thức chăm sóc con của người dân địa phương cũng rất thiếu, nên rất nhiều trẻ em ở đây chịu thiệt thòi ngay từ khi mới sinh ra.
"Ở xã mình tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em còn tương đối cao, đứng trước tình trạng đó cán bộ y tế chúng tôi thường xuyên đến những nhà có trẻ bị suy dinh dưỡng nặng để hướng dẫn người dân dùng những thực phẩm có sẵn tại nhà chế biến món ăn cho trẻ"- chị Vế nói.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi của toàn tỉnh Lào Cai giảm từ trên 40% năm 2010 xuống còn xấp xỉ 27% năm 2022. Dù kết quả thu về tích cực, nhưng tỷ lệ này vẫn nằm trong top cao cả nước; nếu tính theo cấp xã, có nơi trẻ suy dinh dưỡng vẫn chiếm trên 40%, hầu hết là con em đồng bào thiểu số ở những vùng khó khăn. Đây sẽ là gánh nặng lớn về bệnh tật và công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhỏ ở Lào Cai; đồng thời cũng là bài toán khó trong nỗ lực hoàn thiện tiêu chí y tế khi xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Lục Hậu Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lào Cai, trong thời gian tới, Lào Cai sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình dinh dưỡng; trong đó trọng tâm là cải thiện tình trạng thiếu vi ở trẻ em và phụ nữ mang thai; tận dụng nguồn lực từ các chương trình mục tiêu và Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng để chăm lo cho bà mẹ, trẻ em.
Một trong những dự án tiếp tục được Lào Cai mở rộng đó là Mô hình Cải thiện thực hành chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ dựa vào cộng đồng. Ông Lục Hậu Giang cho biết, mô hình này được ra đời nhằm quản lý, điều trị trẻ suy dinh dưỡng cấp tính dựa vào cộng đồng; đặc biệt, chủ động can thiệp vào “1000 ngày vàng” ngay từ khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ cho đến 2 tuổi. Sau 6 năm triển khai, Lào Cai đã gây dựng được gần 50 mô hình, cho hiệu quả tích cực.
"Công tác chăm sóc dinh dưỡng đem lại sức đề kháng và sự phát triển trí tuệ sau này, tạo cho trẻ sự phát triển tốt để thoát được vòng luẩn quẩn, vòng xoắn bệnh lý là trẻ bị bệnh trẻ lười ăn, lại ốm yếu và suy dinh dưỡng thì lại càng lười ăn. Vì vậy, chúng ta tác động vào 1.000 ngày đầu đời sẽ mang lại ý nghĩa quan trọng và quyết định sức khỏe của trẻ sau này".
Theo VOV