Những sai lầm khi bố mẹ xử lý trẻ bị nôn, tiêu chảy

Lã Thị Thúy hằng
Mùa hè là thời điểm trẻ cùng gia đình được đi du lịch nhiều hơn, sử dụng các thực phẩm chuẩn bị sẵn hoặc thức ăn đường phố dễ bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc tố vi khuẩn như thịt, cá, hải sản, kem, trứng, sữa và rau quả làm gia tăng tình trạng viêm dạ dày - ruột do nhiễm khuẩn.

Mùa hè là thời điểm trẻ cùng gia đình được đi du lịch nhiều hơn, sử dụng các thực phẩm chuẩn bị sẵn hoặc thức ăn đường phố dễ bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc tố vi khuẩn như thịt, cá, hải sản, kem, trứng, sữa và rau quả làm gia tăng tình trạng viêm dạ dày - ruột do nhiễm khuẩn.
Chế độ ăn không phù hợp như ăn uống quá độ, dị ứng thức ăn, hay độc chất hoặc dùng thuốc quá liều cũng là nguyên nhân thường gặp gây nôn trớ và đau bụng ở trẻ em.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà - Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Trung ương, có nhiều nguyên nhân gây đau bụng và nôn, tiêu chảy ở trẻ em, trong đó gặp phổ biến là tình trạng nhiễm khuẩn tiêu hóa, viêm dạ dày - ruột cấp do virus như rotavirus, norovirus, calicivirus, adenovirus, Covid-19.
Khi trẻ đau bụng, cần theo dõi sát nhằm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Tuyệt đối không sử dụng thuốc giảm đau vì có thể làm che lấp những dấu hiệu cần thiết để phát hiện bệnh, gây khó khăn cho việc chẩn đoán.
Cần cho trẻ uống nước đủ để tránh cho trẻ bị mất nước khi nôn hay tiêu chảy nhiều. Tốt nhất là cho trẻ uống dung dịch bù nước và điện giải (oresol). Có nhiều chế phẩm (viên, gói bột) để pha dung dịch oresol, cha mẹ cần pha đúng theo hướng dẫn.

Bé gái 9 tháng tuổi bị tiêu chảy, nôn sốt, điều trị tại BV Nhi Trung ương

Tuy nhiên trong thực tế, các bố mẹ thấy trẻ nôn vọt, tiêu chảy thường sợ hãi, xử lý vội, với các sai lầm chủ yếu sau:
- Tùy tiện sử dụng thuốc cầm nôn và cầm tiêu chảy:
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, khi trẻ nôn, xuất hiện dấu hiệu hâm hấp sốt, tiêu chảy, nhiều người cho uống các loại kháng sinh như Becberin, Biseptol và các thuốc cầm ỉa, kiêng khem không cho ăn đủ chất dinh dưỡng... mà không lo bù phụ nước, điện giải.
Khi cho trẻ uống các loại thuốc kháng sinh có thể gây nên tình trạng rối loạn khuẩn đường ruột, khiến bệnh càng trầm trọng. Đây là những sai lầm phổ biến và vô cùng nguy hiểm của các bà mẹ khi có con bị tiêu chảy.
- Sử dụng các loại lá chát, quả chát để cầm đi ngoài:
Ngoài ra, nhiều gia đình vẫn cho trẻ ăn các lá và quả chát có nhiều chất Tanin như lá nhọ nồi, lá ổi xanh, quả ổi xanh, quả hồng xiêm xanh... ngay lập tức sẽ có tác dụng cầm ỉa. Vì chất Tanin có tác dụng làm săn màng ruột, giảm đi ỉa ngay tức khắc nhưng cách điều trị này có thể gây hại cho cơ thể. Vì thực chất, bệnh chỉ đỡ giả tạo, còn các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm, hóa chất... thải hồi rất chậm do màng ruột bị săn, làm cho bệnh càng thêm kéo dài, thậm chí nặng hơn.
Nôn và tiêu chảy là một hoạt động bảo vệ cơ thể để tống các tác nhân gây bệnh ra khỏi cơ thể. Sử dụng thuốc cầm nôn, cầm tiêu chảy không phù hợp sẽ dẫn đến tình trạng giảm nhu động ruột, giảm hấp thu và kéo dài thời gian lưu lại trong đường tiêu hóa của vi khuẩn, độc tố gây ngộ độc thực phẩm làm trẻ đầy, chướng bụng, và kéo dài thời gian bị bệnh.
- Pha oresol không đúng hướng dẫn:
Nhiều cha mẹ lý giải, trẻ không chịu uống oresol nên đã pha đặc hơn để cho trẻ uống, rồi uống bù nước lọc sau. Đây là một sai lầm phổ biến và nguy hiểm. Theo PGS Dũng, cha mẹ cần pha đúng tỉ lệ được hướng dẫn, chỉ để nguyên loại nước đó trong phòng, cất hết những loại nước khác (kể cả nước lọc) để trẻ không nhìn thấy, cho con uống từng tí một, lúc lại uống thìa. Không có sự lựa chọn nào khác, bé sẽ phải uống. Và những thìa nước dù ít ỏi nhưng có đầy đủ muối, đường, các chất điện giải sẽ rất tốt cho bé, hơn cả việc bé uống cả lon nước có gas hay nước lọc.
Chuyên gia cũng lưu ý, với oresol, cha mẹ không cho trẻ uống một lúc quá nhiều sẽ càng phản tác dụng, trẻ bị kích thích lại nôn. Hãy bình tĩnh theo kiểu "mưa dầm thấm lâu", chỉ cho trẻ uống từng thìa nhỏ một. Nếu trẻ bị nôn thì phải cho uống oresol chậm hơn, sau 2-3 phút lại uống một lần, một ngụm (thìa nhỏ). Nếu trẻ bị nôn ra ngay sau khi uống, cũng không vội uống lại ngay, bởi trẻ không phải bị nôn ra là nôn sạch mà đã có sự hấp thu vào cơ thể. Nếu trẻ đã được uống oresol theo nguyên tắc ít một nhưng vẫn bị nôn, tình trạng đi ngoài còn nhiều, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ tới viện để được bù nước, điện giải bằng truyền dịch.
Ngoài ra nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa trong giai đoạn bệnh và cho ăn trở lại bình thường và ăn nhiều hơn khi trẻ hồi phục. Nếu trẻ không nôn trớ từ 12-24 giờ thì có thể cho bé ăn uống lại bình thường nhưng vẫn cho bé uống nhiều nước, bắt đầu với những thực phẩm dễ tiêu hóa như ngũ cốc hay sữa chua.
Nôn trớ và tiêu chảy có thể làm gia tăng lây nhiễm trong gia đình. Cha mẹ nên chú ý phòng ngừa lây nhiễm trong gia đình và người xung quanh bằng cách rửa tay với nước và xà phòng sau khi thay bỉm, quần áo cho trẻ, trước và sau khi chuẩn bị thức ăn, cho trẻ bệnh nghỉ học giúp hạn chế lây lan.

Lã Hằng