Những hệ lụy ảnh hưởng sức khoẻ nếu thức khuya

Lã Thị Thúy Hằng
Khi thức khuya thường xuyên khiến tình trạng đồng hồ sinh học bị rối loạn kéo dài chính là nguyên nhân khiến cơ thể rơi vào tình trạng thiếu năng lượng, thường xuyên mệt mỏi, giảm sức đề kháng… Điều này có thể gây tác động xấu đến các hoạt động hàng ngày và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer

Thiếu ngủ là một trong các yếu tố lớn nhất thuộc về lối sống tác động đến việc về sau bạn có mắc bệnh Alzheimer hay không.

Trong khi ngủ, một hệ thống cống khổng lồ trong não, được gọi là hệ bạch huyết, bắt đầu hoạt động. Khi bạn bước vào giai đoạn ngủ sâu, hệ thống vệ sinh này sẽ dọn sạch các protein có hại liên quan đến bệnh Alzheimer trong não, có tên Beta-amyloid.

Nếu không ngủ đủ, não của bạn sẽ không được dọn sạch như thế. Do vậy, sau mỗi đêm bạn thiếu ngủ, nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cũng tăng lên.

Tăng cảm giác thèm ăn

Có lẽ bạn cũng nhận thấy mình thèm ăn hơn khi cảm thấy mệt mỏi? Không phải ngẫu nhiên mà như vậy. Việc ngủ quá ít làm tăng tập trung một loại hormone gây thèm ăn, đồng thời lấn át loại hormone thông báo bạn đã nhận đủ thức ăn. Vì thế, dù đã no, bạn vẫn sẽ muốn ăn nữa. Đây chính là "công thức" gây tăng cân ở những người lớn và trẻ em thiếu ngủ.

Việc ăn kiêng cũng trở nên vô ích nếu bạn không ngủ đủ, vì bạn sẽ giảm cơ nhiều hơn giảm mỡ. Như vậy, ngủ đủ là công cụ hữu hiệu để bạn kiểm soát cảm giác thèm ăn, cân nặng của bạn.

Thức khuya dễ bị ung thư vú

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng phụ nữ tiếp xúc quá lâu với ánh đèn nhân tạo do thức khuya có nguy cơ ung thư vú cao hơn bình thường. Nguyên nhân là do hormone melatonin giảm đi khi có ánh sáng. Làm ức chế hormone nữ estrogen, không có melatonin thì estrogen tăng lên, đồng nghĩa với các tế bào ở tuyến vú cũng tăng lên.

Nguy cơ cao gây ra bệnh tim

Nghiên cứu cho thấy, những người “ngủ ngày cày đêm” thường có tính khí nóng nảy, thất thường, dễ nổi giận. Không những thế, thức đêm quá khuya cũng khiến cho nội tạng bị “trượt” khỏi lịch sinh hoạt bình thường, nhịp tim không được điều chỉnh kịp thời.

Đó cũng là lý do gây ra nguy cơ cao về bệnh tim mạch, huyết áp…

Tổn thương da

a8-1661040035.jpg

Thức khuya thường xuyên ngoài những hệ lụy về da có thể gây suy giảm trí nhớ.

Vào thời điểm từ 22 giờ đến 23 giờ, là thời gian làn da làm nhiệm vụ bảo trì và tái tạo. Nếu bạn thức đêm, các tuyến nội tiết sẽ không có điều kiện để làm việc, gây ra rối loạn hệ thần kinh, từ đó sẽ làm cho da khô, tính linh hoạt kém, màu da xỉn dần, thâm sạm, có mụn trứng cá, tàn nhang, các vết nhăn.

LH