Những con số biết nói của Liên Hợp quốc về tình trạng ấm lên toàn cầu

Phạm Hà Mi
Đợt nắng nóng bao trùm các khu vực ở Tây Ban Nha, có nơi lên tới 46 độ C là một trong những hiện tượng đáng chú ý trong tuần này về tình trạng ấm lên toàn cầu. Tuy vậy, không chỉ Tây Ban Nha, nhiều quốc gia khác  Pakistan và Ấn Độ cũng ghi nhận nắng nóng gay gắt trong những ngày qua, có nơi nhiệt độ cao từ 45 đến gần 49 độ C.

Thành phố Jaen ở Andalucia, miền nam Tây Ban Nha, hôm 20/5 ghi nhận nhiệt độ 40,3 độ, cao hơn 16 độ C so với mức trung bình của thời gian này trong năm. Tại những nơi khác của Andalucia, nhiệt độ cao hơn ít nhất 7 độ C so với trung bình.

2022-05-20t185317z-1596323197-5821-6272-1653277155-1653415514.jpeg

Bảng hiển thị nhiệt độ ngoài trời lên tới 46 độ C ở thành phố Seville, miền nam Tây Ban Nha ngày 20/5/2022

Tại Mỹ, Shreveport, Louisiana đã ghi nhận mức nhiệt cao nhất khoảng 34 độ C trong kỷ lục 148 năm qua. Đó là một trong hơn 110 kỷ lục nhiệt độ bị phá vỡ hoặc gần với kỷ lục tại 21 bang trong tuần này. Ở Texas, Galveston cũng nắng nóng gay gắt.

Tất cả những mức nhiệt được ghi nhận tại các quốc gia trên là minh chứng cho bản tóm tắt về khí hậu năm 2021 của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres gọi đây là "một dấu hiệu ảm đạm về sự thất bại của nhân loại trong việc giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu".

Theo báo cáo, nếu tình trạng ấm lên toàn cầu không được kiểm soát ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp thì trái đất, vốn liên tục hứng chịu các đợt nắng nóng, cháy rừng, lũ lụt và hạn hán trong những thập kỷ qua sẽ suy thoái theo hàng trăm cách khác nhau, trong đó có những cách không thể đảo ngược.

ttxvn-han-han-1653415560.jpeg
Cảnh hạn hán ở California, Mỹ

Báo cáo có đoạn nêu rõ tình trạng chậm trễ trong cắt giảm khí thải carbon và hỗ trợ để ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ làm lỡ cơ hội quý giá để đảm bảo một trái đất có thể sinh sống được, một hành tinh bền vững cho tất cả trong tương lai.
Cụ thể, khí hậu sẽ khắc nghiệt hơn gấp 4 lần vào năm 2100 kể cả khi nhiệt độ bề mặt trái đất chỉ tăng thêm 1,5 độ C.
Nếu nhiệt độ trái đất tăng lên 2 độ C, số trận bão, lũ, hạn hán và sóng nhiệt sẽ tăng gấp 5 lần.
Hiện nay, ít nhất 3,3 tỷ người đang sống trong vùng nguy hiểm do tác động của biến đổi khí hậu và có nguy cơ tử vong vì thời tiết cực đoan cao hơn 15 lần.
Báo cáo của WMO đề cập đến hạn hán nghiêm trọng ở Canada vào năm ngoái khiến sản lượng lúa mì của nước này giảm 38% và sản lượng cây cải dầu trong nước giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007.
Người đứng đầu LHQ cho hay, hiện tượng ấm lên của đại dương đã cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ trong 20 năm qua, đang xâm nhập vào các mức sâu hơn nữa, với nhiều đại dương trên thế giới trải qua ít nhất một đợt nắng nóng lớn vào năm 2021.
Ông Guterres tiếp tục kêu gọi loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch để hạn chế phát thải khí nhà kính đang làm nóng hành tinh. Ông nói: “Hệ thống năng lượng toàn cầu bị phá vỡ và đưa chúng ta đến gần hơn với thảm họa khí hậu”.
Theo dự báo khí hậu mùa hè năm 2022 từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), tình hình thời tiết ở quốc gia này không được cải thiện. Mọi tiểu bang ở lục địa Mỹ đều phải đối mặt với khả năng xảy ra một mùa hè nóng hơn bình thường cho đến hết tháng 8, với tình trạng hạn hán vẫn tiếp diễn hoặc mở rộng ở 17 bang.