Những biến chứng thường gặp khi trẻ bị táo bón kéo dài

Lã Thị Thúy Hằng
Táo bón ở trẻ là hiện tượng thường gặp, áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp sẽ có thể cải thiện được tình trạng này. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài, trở thành mạn tính sẽ gây ra những phiền toái trong sinh hoạt, khiến trẻ chán ăn, mệt mỏi, khó chịu… làm chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng. Nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến một số các biến chứng.

Một số vấn đề sức khỏe thường gặp khi trẻ bị táo bón kéo dài:

Gây chảy máu khi đại tiện

Khi bị táo bón lâu ngày phân thường khô, rắn, bề mặt khuôn phân gồ ghề. Khi đi đại tiện, phân sẽ trà sát lên niêm mạc ống hậu môn trực tràng, có thể gây xước chảy máu. Mức độ chảy máu phụ thuộc vào độ rắn, độ sắc của phân, độ bền vững của niêm mạc và khoảng thời gian giữa các lần tiếp xúc. Lúc đầu có thể ở dạng thấy vệt máu trên giấy vệ sinh. Nặng hơn có thể thấy máu theo phân. Nặng hơn nữa có thể có máu nhỏ giọt hoặc máu thành tia.

Gây nứt kẽ hậu môn

Đây là tình trạng đau đớn nhất do táo bón gây ra. Phân lâu ngày tích trữ trong đại trực tràng, to dần và rắn chắc. Khối phân lớn hơn độ dãn nở của ống hậu môn có thể dẫn đến tình trạng nứt kẽ hậu môn. Trẻ nhỏ dễ bị hơn do niêm mạc da mỏng, dễ tổn thương. Khi nứt hậu môn xảy ra, đau đớn khiến trẻ không dám đi vệ sinh, táo bón sẽ càng nặng hơn. Khi gặp biến chứng này trẻ không chỉ đại tiện ra máu mà còn rất đau đớn. Cảm giác đau đớn này kéo dài và dai dẳng ở những lần đi đại tiện tiếp theo.

Gây đau bụng vùng dưới rốn

Đau bụng táo bón là một nỗi ám ảnh với nhiều người, bởi lúc này bụng thường xuyên ấm ách khó chịu, muốn đi ngoài lại không thể đi được, thức ăn, chất cặn thừa dồn nén gây đầy và căng tức ở vùng bụng.

Tương tự trẻ em cũng vậy, phân không được đào thải ra ngoài, ứ đọng trong đại trực tràng khiến trẻ bị đau bụng dưới rốn. Nếu trẻ đau nhiều thì có thể trẻ gặp tình trạng bán tắc ruột do "u phân’ gây ra.

Gây trĩ nội, trĩ ngoại

Trĩ nội, trĩ ngoại là biến chứng thường gặp ở những người bị táo bón, thậm chí là ở trẻ nhỏ. Khi bị táo bón, phân bệnh nhân sẽ cứng, khô và đè nén trực tiếp lên trực tràng, từ đó khiến tĩnh mạch dưới niêm mạc trực tràng chịu áp lực lớn hơn và gây ra cản trở cho quá trình lưu thông của máu. Đặc biệt, các tĩnh mạch ở trên trực tràng và các nhánh khác, máu sẽ dễ bị hồi đọng từ đó hình thành nên bệnh trĩ.

Bệnh nhân táo bón khi đi vệ sinh bao giờ cũng phải tốn nhiều sức rặn hơn người bình thường. Do đó, áp suất trong bụng tăng lên, hậu môn và trực tràng bị đè xuống, gây cản trở cho việc tuần hoàn các tĩnh mạch và ảnh hưởng đến việc sắp xếp các huyết quản trên trực tràng. Phân cũng dễ bị nén ép làm cho tĩnh mạch dưới niêm mạc trực tràng phải mở rộng ra. Tình trạng này kéo dài tạo điều kiện thuận lợi để hình thành nên các búi trĩ, lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng đại tiện ra máu.

Trẻ bị táo bón có thể gây viêm ống hậu môn trực tràng

Viêm hậu môn là tình trạng viêm ở vùng hậu môn và trực tràng (ống cơ nối giữa ruột già và hậu môn). Trực tràng làm nhiệm vụ đẩy phân ra khỏi cơ thể qua hậu môn. Khối phân lớn, khô rắn dễ gây tổn thương niêm mạc, hậu môn trực tràng. Điều này làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, áp xe hậu môn, rò hậu môn.

Trẻ bị táo bón có thể gây tắc ruột

a10-1655601647.jpg

Nên cho trẻ ăn thêm các thực phẩm chứa hàm lượng chất xơ và uống nhều nước - Ảnh: Internet

Táo bón được định nghĩa là có dưới 3 lần đi đại tiện mỗi tuần và trường hợp táo bón nặng là khi có dưới một lần đi đại tiện mỗi tuần. Điều này dẫn tới ứ đọng phân lâu ngày trong trực tràng, nên phân ngày càng trở nên cứng và rắn hơn.

Khối "u phân’ có thể gây tình trạng tắc ruột ở trẻ em. Chính vì vậy, táo bón lâu ngày gây tắc ruột bán phần hoặc tắc ruột toàn phần, với các biểu hiện như đau bụng từng cơn xảy ra liên tục, không đánh hơi được, bụng chướng, không đi đại tiện được. Có dấu hiệu "rắn bò" và sờ được khối rắn ở vùng góc đại tràng trái. Tắc ruột là một biến chứng cấp cứu ngoại khoa. Các bậc cha mẹ nên thường xuyên kiểm tra bụng trẻ để kịp thời phát hiện tình trạng tắc ruột.

PV