Tái chế rác thành sản phẩm hữu ích
Ông Nguyễn Văn Lẹ (78 tuổi), ngụ ấp Mương Chùa, xã Tây Yên A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang đã thực hiện ý tưởng tái chế dây nhựa buộc gạch thành những vật dụng có ích. Đặc biệt với kinh nghiệm sẵn có từ nghề đan tre, trúc của người cha truyền lại từ hàng chục năm trước, được người thân gợi ý, ông Nguyễn Văn Lẹ bắt đầu thực hiện ý tưởng tái chế rác thải nhựa thành các vật dụng hữu ích.
Ông Lẹ cho hay dây nhựa được dùng chằng gạch trong các công trình xây dựng, sau khi sử dụng thường bị cắt bỏ, vứt xuống kênh, mương, gây cản trở ghe, xuồng qua lại, đồng thời gây hại cho môi trường. Dây nhựa buộc gạch có độ cứng, chắc chắn, thích hợp dùng làm nguyên liệu thay thế tre, trúc để đan thành sản phẩm thủ công, độ bền lại không thua kém. Việc tái chế này cũng góp phần hạn chế thải đồ nhựa khó phân hủy ra môi trường.
Hằng ngày, tầm 4-5 giờ sáng, lão nông 78 tuổi đạp xe đến các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, công trình dựng nhặt những sợi dây nhựa buộc gạch đủ màu sắc về rửa sạch, mang đi phơi nắng. Tầm 2 giờ đồng hồ sau khi phơi, những sợi dây nhựa đã được ông Lẹ tái chế, đan thành những vật dụng hữu ích như giỏ xách, xề, rổ đựng cá, giỏ đựng tôm, sọt đựng trái cây, thúng, chậu hoa kiểng…
“Dây nhựa tôi mang về nếu lành lặn, có màu sắc đẹp thì tôi đan thành vật dụng trong nhà như giỏ xách, sọt đựng trái cây. Riêng những sợi bị dập, hỏng nhiều thì tôi đan thành những chậu hoa kiểng”, ông Lẹ cho biết.
Dây buộc gạch sau khi được thu gom về nhà, được ông Lẹ chà rửa sạch sẽ, loại bỏ bụi, xi-măng còn dính lại, sau đó phân loại theo màu, bó gọn, đan thành sản phẩm khác nhau theo đặt hàng của khách
Những sản phẩm giỏ xách ông Lẹ làm ra có độ bền cao, chắc chắn, đẹp không thua sản phẩm hiện bán trên thị trường. Nhiều người không tin sản phẩm này được làm từ nguyên liệu bỏ đi vì sản phẩm đẹp, sạch. Điều đáng khen là việc làm của ông Lẹ tận dụng vật dụng người bỏ đi để tái sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường”.
Lắp trạm tập kết xanh
Tháng 8/2023, Ban Thường vụ Thành đoàn Phú Quốc phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam tổ chức lễ ra mắt mô hình trạm tập kết xanh tại ấp Đường Bào, xã Dương Tơ (TP. Phú Quốc). Các trạm tập kết xanh được xây dựng ở vị trí cố định tại các điểm chợ, khu đông dân cư, trong đó có thiết kế hình ảnh sinh động, trực quan, gắn với thông điệp bảo vệ môi trường và bố trí dụng cụ để người dân bỏ rác, từ đó hình thành thói quen của người dân, tránh phát sinh những điểm nóng về ô nhiễm môi trường.
Tại mỗi trạm tập kết xanh, Thành đoàn Phú Quốc còn triển khai mô hình giờ vàng đổi rác thải nhựa lấy quà. Theo đó, vào sáng thứ bảy tuần đầu mỗi tháng (từ 8-9 giờ), người dân có thể mang rác thải nhựa đến đổi lấy quà. Từ 3kg rác thải nhựa trở lên như vỏ chai nhựa, ly nhựa, ống hút, hộp xốp, bao nylon… được làm sạch và phơi khô sẽ đổi được giỏ quà có trị giá từ 20.000-100.000 đồng.
Mô hình nhằm giúp người dân hình thành thói quen bỏ rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh chung tại khu vực công cộng, chung tay xây dựng thành phố Phú Quốc trở thành thành phố xanh, sạch, đẹp.
Được biết đây là trạm tập kết xanh thứ 5 được xây dựng tại đây. Trước đó, từ năm 2020, Ban Thường vụ Thành đoàn Phú Quốc phối hợp WWF tại Việt Nam xây dựng mô hình trạm tập kết xanh tại phường Dương Đông, phường An Thới, xã Hàm Ninh và Cửa Cạn.
Mô hình "Trường học không rác thải nhựa"
Thực hiện Kế hoạch số 152/KH-UBND, từ năm 2021, UBND TP Rạch Giá đã tập trung vào lực lượng cán bộ, đảng viên, giáo viên và học sinh để tuyên truyền và có hành động giảm rác thải nhựa trên địa bàn.
Ông Nguyễn Xuân Trường - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền, phường Vĩnh Hiệp, TP Rạch Giá, cho biết, hưởng ứng hành động giảm thải chất thải rắn ra môi trường nên tháng 11/2021, nhà trường đã phối hợp với tổ chức WWF thực hiện mô hình "Trường học không rác thải nhựa". Sau hơn một năm thực hiện, nhà trường đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức về việc giảm sử dụng rác thải một lần đối với giáo viên, cán bộ và học sinh toàn trường.
Đặc biệt, thời gian qua, WWF Việt Nam đã đồng hành, hỗ trợ TP Rạch Giá triển khai kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa, trong đó có giảm rác thải nhựa trong trường học. Các trường trung học cơ sở Ngô Quyền, Nguyễn Du, Võ Nguyên Giáp thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Rạch Giá thực hiện thí điểm mô hình “Trường học không rác thải nhựa”.
WWF Việt Nam ký kết phối hợp hoạt động với các trường; tổ chức tập huấn cho giáo viên, học sinh; hướng dẫn thực hành kiểm toán rác… Đồng hành, hỗ trợ các trường thực hiện nhiều hoạt động thúc đẩy phân loại rác và xử lý rác hữu cơ tại nguồn; hoạt động ngoại khóa thi vẽ tranh, thi tái sinh rác thải nhựa; hỗ trợ thùng rác và kinh phí tổ chức hoạt động…
Triển khai thực hiện mô hình, các trường có nhiều hoạt động như thi vẽ tranh chủ đề tái chế rác thải nhựa; hội thi hóa trang chủ đề chung tay bảo vệ môi trường; phân loại rác tại nguồn; làm lồng ủ rác lá cây; làm IMO (vi sinh vật bản địa) để xử lý rác hữu cơ… Qua đó, góp phần giảm rác thải nhựa trong trường học.
Nhờ vậy, nhận thức về tác hại của rác thải nhựa của giáo viên tăng lên 60% và của học sinh tăng lên 30% ở cuối năm học; giảm 30% lượng rác thải nhựa phát sinh tại trường vào cuối năm học; phân loại rác đạt 60%.
Lắp đặt camera giám sát hành vi vi phạm môi trường tại Phú Quốc
UBND thành phố Phú Quốc tiếp tục phối hợp với WWF Việt Nam thí điểm “Hệ thống camera giám sát hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường và sân nổi thu gom rác từ tàu thuyền trên địa bàn phường Dương Đông”.
Được biết phường Dương Đông là trung tâm phát triển kinh tế, xã hội, du lịch và là nơi tập trung dân cư đông đúc nhất tại thành phố Phú Quốc với mật độ dân số cao nhất 2.962 người/km2. Sông Dương Đông là con sông lớn nhất của Phú Quốc với phường Dương Đông nằm ở hạ lưu của sông. Đoạn sông từ cầu Hùng Vương cho đến Dinh Cậu với chiều dài khoảng 3.600m là khu vực tập trung đông dân cư và tàu thuyền neo đậu vào ngày trăng, tránh bão và bốc dỡ hàng hoá. Với mật độ dân cư và tàu thuyền đông đúc, phường Dương Đông nói chung và sông Dương Đông nói riêng cũng là nguồn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt lớn của thành phố và chất thải rắn trôi nổi trên sông Dương Đông.
Việc lắp đặt hệ thống với 6 camera giám sát ở khu vực chợ, sân bay cũ, dọc bờ sông Dương Đông và 2 sân nổi tại khu vực cửa sông này thông ra biển trên địa bàn có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Qua đó, với hệ thống camera, không chỉ góp phần nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ, không gây ô nhiễm môi trường mà còn xử lý nghiêm các trường hợp bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định, vứt rác bừa bãi ra môi trường, hình thành trong cộng đồng thói quen bỏ rác đúng nơi quy định.
Với 2 sân nổi là nơi để các phương tiện đi đánh cá trở về bỏ rác thải sinh hoạt, nhằm khắc phục, giảm thiểu các hành vi bỏ rác xuống biển của một số tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản và tàu du lịch.
Bên cạnh đó việc thí điểm hệ thống camera giám sát hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường và sân nổi thu gom rác từ tàu thuyền trên địa bàn phường Dương Đông nhằm kêu gọi các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp đang kinh doanh, sinh sống, làm việc và du lịch tại Phú Quốc hãy đồng hành cùng địa phương chung tay bảo vệ môi trường xanh - sạch, giảm tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần hướng đến nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần vì một Phú Quốc với lối sống hiện đại và môi trường xanh.