Nhiều kiến nghị đối với lĩnh vực lý lịch tư pháp tại Quảng Ninh

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Theo Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng, thời gian người dân phải chờ đợi từ 10-15 ngày để được cơ quan nhà nước xác định một điều hiển nhiên “không có án tích” là quá dài, dễ bị lạm dụng, ảnh hưởng đến quyền công dân trong tái hòa nhập cộng đồng, gây khó khăn cho người đã từng bị kết án khi tham gia vào các quan hệ xã hội ….

Theo báo cáo từ UBND tỉnh Quảng Ninh, sau 10 năm thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp theo Luật lý lịch tư pháp, Quảng Ninh đã tiếp nhận hơn 67.000 thông tin, tiến hành lập 15.697 bản lý lịch pháp. Thụ lý và giải quyết 48.892 yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người dân chủ yếu phục vụ cho hoàn thiện hồ sơ định cư, du học, kết hôn, xuất khẩu lao động; một số trường hợp bổ túc hồ sơ xin việc làm theo yêu cầu của cơ quan, doanh nghiệp trong nước như làm việc tại các tổ chức tài chính, hàng không, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài …

images1365645_352bcf7655c0ad9ef4d1
Quảng Ninh ứng dụng công nghệ thông tin cấp lý lịch tư pháp

Theo đó, trước năm 2015, hoạt động xóa án tích thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân. Từ năm 2018, sau khi Bộ Luật hình sự 2015 có hiệu lực thi hành, việc xóa án tích thuộc thẩm quyền của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia – Bộ Tư pháp và sở Tư pháp địa phương.

Trong khi đó, thời gian này, trung bình mỗi năm Quảng Ninh tiếp nhận từ 7.000 đến 8.500 phiếu lý lịch tư pháp, trong đó có khoảng 2% hồ sơ có án tích hoặc liên quan đến án tích. Đối với những trường hợp phải xác minh từ các cơ quan tư pháp, trên thực tế, thời gian phối hợp xác minh tại các cơ quan liên quan thường kéo dài, không đảm bảo thời gian theo quy định của pháp luật, nguyên nhân được xác định do chưa có quy định cụ thể về thời gian phối hợp giữa các cơ quan với nhau.

Quảng Ninh cũng ghi nhận, có không ít trường hợp, cơ quan được đề nghị xác minh không trả lời hoặc trả lời không đúng, không đủ theo yêu cầu của sở Tư pháp; chưa xem đây là trách nhiệm của mình mà phối hợp một cách miễn cưỡng làm chậm trễ việc giải quyết các hồ sơ đề nghị xóa án tích cho người dân có nhu cầu.

Cũng qua hoạt động xây dựng dữ liệu lý lịch tư pháp, cấp lý lịch tư pháp, Quảng Ninh cũng phát hiện có rất nhiều bản án không có thông tin về giới tính, quốc tịch, số chứng minh nhân dân của cá nhân dẫn đến những hồ sơ lý lịch tư pháp đều bị thiếu thông tin, gây khó khăn trong quá trình tra cứu.

Theo Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, người dân phải chờ đợi từ 10-15 ngày để được cơ quan nhà nước xác định một điều hiển nhiên “không có án tích” là quá dài, dễ bị lạm dụng, ảnh hưởng đến quyền công dân trong tái hòa nhập cộng đồng, gây khó khăn cho người đã từng bị kết án khi tham gia vào các quan hệ xã hội như hạn chế cơ hội tìm kiếm việc làm, cơ hội được nhập cảnh, du học, định cư ở nước ngoài mặc dù người đó đã được xóa án tích.

Để giải quyết những vấn đề này, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng đề nghị Nhà nước cần hoàn thiện pháp luật về lý lịch tư pháp; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức, quản lý cơ sở dữ liệu tư pháp để phù hợp, đáp ứng nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp ngày càng tăng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thiết lập, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu tư pháp để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Nam Khánh