Các bác sĩ khuyến cáo bệnh dịch mùa đông xuân hết sức phức tạp và nguy hiểm, có thể dẫn đến nhiều biến chứng và tử vong nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
Các bệnh đường hô hấp như cúm, viêm đường hô hấp cấp do virus (viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản...), sốt phát ban lây qua đường hô hấp như sởi, quai bị, rubella, adenovirus, thủy đậu, quai bị...
Ở trẻ em, người cao tuổi, suy giảm miễn dịch nếu viêm đường hô hấp có thể dẫn đến tình trạng cấp tính và gây biến chứng nguy hiểm, nếu không phát hiện kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Ba ngày liên tiếp chị Lê Kim Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) không thể ngủ vì cảm giác đau nhức vùng trán, mắt, mũi. Chị cho biết cách đây hơn 1 tuần bị cảm cúm sau đó biến chứng ngạt mũi, đau đầu nhất là vùng trán.
Ba ngày gần đây nhất đau tới mức mất ngủ chị Kim Anh mới tới bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ cho biết chị bị viêm xoang cấp tính.
Còn trường hợp của anh Đỗ Văn Phúc (41 tuổi, Long Biên, Hà Nội) vào viện khám vì sốt cao kèm ho. Anh Phúc cho biết sau hôm đi làm về gặp mưa rét ngày hôm sau anh bị hắt hơi, sổ mũi liên tục nhưng chủ quan anh chỉ mua thuốc uống nhưng tình trạng không đỡ.
Mỗi lần anh Phúc ho là cơn ho kéo dài, cảm giác như gãy xương sườn, nổ ngực. Tình trạng ho kèm theo sốt anh Phúc vào cấp cứu tại BV Tâm Anh Hà Nội, bác sĩ cho biết anh bị viêm phổi.
PGS.TS Phạm Thị Bích Đào – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết hàng ngày ngồi khám tại phòng khám bà đều gặp các trường hợp bệnh nhân với triệu chứng đau đầu, mất ngủ, đau mắt, ho “nổ ngực”.
Bác sĩ khám cho người bệnh họ đều có biểu hiện của viêm xoang cấp, biến chứng viêm mũi họng không khu trú ở hô hấp trên mà chuyển xuống cơ quan hô hấp dưới, viêm thanh quản…
Hỏi bệnh sử các bệnh nhân này đều có triệu chứng ban đầu hắt hơi, sổ mũi nhưng họ không để ý và nghĩ rằng do lạnh, do cảm thông thường.
Khi biến chứng, bệnh nhân đều đã qua giai đoạn các triệu chứng hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt. Bệnh nhân chỉ đến với bác sĩ khi nặng như ho không kiểm soát, đau nhức vùng mắt, mũi, họng.
PGS Đào cho biết nếu người bệnh đến khám chỉ 2 – 3 ngày khi có triệu chứng hắt hơi, chảy nước mũi thì điều trị sớm, đúng người, đúng bệnh cũng không tốn thời gian, nhưng nếu người bệnh tự điều trị theo cách thông thường sẽ khiến tình trạng này lai rai, hay tái phát.
Vì vậy, khi bạn có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi kéo dài 2 đến 3 ngày. Giai đoạn này khi có dấu hiệu hắt hơi sổ mũi là do cảm lạnh thông thường người bệnh có thể sử dụng nước muối ưu trương để làm cuốn mũi nhỏ, mũi thông thoáng thì giai đoạn cảm lạnh sẽ qua, cơ thể tự phục hồi.
Nhưng từ ngày thứ 3 vẫn còn triệu chứng người bệnh nên đến khám bác sĩ. Lúc đó, bệnh nhân có thể được bác sĩ kê các thuốc điều trị xung huyết thông thường, sát khuẩn vùng mũi họng.
Nếu qua giai đoạn 3 ngày viêm mũi họng chuyển thành các biến chứng viêm xoang cấp, viêm mũi họng, thanh quản, viêm tiểu phế quản thì việc điều trị kéo dài, người bệnh cần rất nhiều thời gian theo dõi, ảnh hưởng đến cả công việc, có bệnh nhân điều trị mất 6 tới 8 tuần mới khỏi. Thậm chí, có trường hợp tổn thương không thể hồi phục chuyển sang mãn tính.
Để phòng bệnh, bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, mọi người cần giữ ấm cơ thể nhất là thời tiết thay đổi lạnh đột ngột. Nhiệt độ thấp kèm với độ ẩm cao khiến cơ thể rất dễ bị cảm lạnh dẫn đến viêm họng, viêm nhiễm các xoang. Giữ ấm cho cơ thể bằng cách mặc quần áo đủ ấm, ăn uống nóng.
Đối với trẻ nhỏ cần được chăm sóc chu đáo, tránh gió lạnh, nhiễm lạnh do mưa, mặc đủ ấm, đi tất, quàng khăn giữ ấm tai, cổ,... Khi có việc ra ngoài đường, nên hạn chế tiếp xúc không khí lạnh bằng việc đeo khẩu trang, vừa có tác dụng ngăn ngừa bụi bẩn vừa có tác dụng ủ ấm cho đường hô hấp trên.
Theo Infonet