Những viên sỏi lớn lấp đầy bể thận và các ống mang nước tiểu từ thận đến bàng quang (niệu quản) được gọi là sỏi san hô. Có nhiều nguyên nhân gây nên sỏi thận.
Nguyên nhân gây sỏi thận và các yếu tố nguy cơ
Những viên sỏi có thể hình thành nếu nước tiểu có chứa quá nhiều các hóa chất nhất định, chẳng hạn như canxi, axit uric, cystine hay sỏi struvite (một hỗn hợp của phosphate, magnesium và amoni). Chế độ ăn uống có lượng protein cao và uống quá ít nước có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận. Khoảng 85% số sỏi thận được hình thành từ canxi. Ngoài ra, còn có sỏi axit uric xảy ra thường xuyên hơn nếu có bệnh gút; sỏi struvite hình thành thường xuyên hơn trong nước tiểu bị nhiễm trùng (sỏi nhiễm trùng).
Vậy những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận? Bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh này nếu bạn: Có người trong gia đình bị bệnh sỏi thận; ăn quá nhiều muối hoặc đường; béo phì; bệnh hoặc phẫu thuật về đường tiêu hóa chẳng hạn như viêm ruột hoặc tiêu chảy mãn tính có thể làm thay đổi quá trình tiêu hóa từ đó ảnh hưởng khả năng hấp thụ canxi và nước của bạn; mắc một số bệnh lý như nhiễm toan ống thận, cystinuria, cường cận giáp, nhiễm trùng đường tiết niệu và sử dụng một số loại thuốc điều trị nhất định.
Đau lưng là biểu hiện điển hình của sỏi thận
Những viên sỏi thận nhỏ có thể tự đào thải ra ngoài cơ thể theo đường nước tiểu và bạn hiếm khi quan sát thấy chúng. Tuy nhiên, những viên sỏi có kích cỡ lớn sẽ làm căng niệu đạo khi chúng di chuyển xuống bàng quang. Từ đó, chúng gây nên những cơn đau quặn, thắt; kèm theo đó là hiện tượng bí đái, hay đi tiểu mót, nguy hiểm hơn dẫn đến ứ nước, giãn thận.
Triệu chứng của bệnh sỏi thận bao gồm: Đau vùng lưng, đôi khi có cảm giác buồn nôn; đi tiểu nhiều vào ban đêm, đau rát khi đi tiểu và trong nước tiểu có lẫn máu; với nam giới, bệnh sỏi thận gây đau vùng tinh hoàn, đau thắt lưng; đau vùng bụng, vùng háng, sốt nhẹ, hay bị rùng mình; nước tiểu có màu khác thường.
Những người sỏi thận thường có cơn đau ở vùng lưng dưới, phần mềm dễ bị tổn thương. Do thận bị đau bởi sỏi nên gây ra tình trạng thận đau quặn, thận có vị trí gần vùng xương cột sống cuối và vùng chậu nên khi đau thận vùng lưng bị ảnh hưởng và chịu đau.
Điều trị và phòng ngừa sỏi thận
Theo các chuyên gia, điều trị bệnh sỏi thận phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như kích thước và số lượng, vị trí của những viên sỏi thận và liệu có xảy ra nhiễm trùng hay không.
Ngay khi có những triệu chứng của bệnh, cần đi khám để bác sĩ chuyên khoa có phác đồ điều trị hiệu quả nhất. Nếu nhẹ, có thể điều trị nội khoa (uống nước nhiều, uống nước râu ngô hay thuốc lợi tiểu nếu sỏi nhỏ dưới 5mm; uống thuốc giãn cơ để niệu quản không co thắt, đồng thời uống thuốc lợi tiểu để sỏi bị đào thải ra ngoài). Nhiều bài thuốc dân gian và y học cổ truyền có tác dụng điều trị sỏi thận.
Tuy nhiên, thông thường các loại thuốc có tác dụng khi sỏi có kích thức nhỏ. Nếu việc điều trị nội khoa không có kết quả, bệnh nhân có thể được chỉ định ngoại khoa (mổ thận lấy sỏi, tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da, tán sỏi nội soi, thậm chí làm ổ nội soi gắp sỏi).
Soi niệu quản: Các bác sĩ sẽ sử dụng một công cụ mỏng dài có kính quan sát để tìm sỏi. Công cụ này được đưa vào niệu đạo và bàng quang để đến niệu quản. Sau khi đã tìm thấy sỏi, các bác sĩ có thể gắp bỏ hoặc có thể phá vỡ chúng thành các phần nhỏ hơn bằng laser.
Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung (ESWL): Đây là phương pháp dùng sóng xung kích để phá vỡ viên sỏi thành những mảnh nhỏ hơn để có thể thải ra.
Phẫu thuật lấy sỏi thận qua da: Nếu viên sỏi thận quá lớn hoặc nằm ở vị trí không thể sử dụng phương pháp ESWL, bác sĩ có thể đề nghị tiến hành phẫu thuật để lấy chúng ra.
Để phòng bệnh, mỗi chúng ta cần có ý thức ngăn chặn ngay khi chúng có thể hình thành nguy cơ, nguyên nhân gây bệnh, như: Uống nước đủ và đều, ăn uống hợp lý, vệ sinh bộ phận sinh dục đúng cách (nhất là với nữ), không uống quá nhiều rượu bia… Nhiều nghiên cứu cho thấy, các loại thức uống họ cam quýt, đặc biệt là chanh, giúp ngăn chặn quá trình hình thành sỏi thận.