Nguy hại thực phẩm chức năng ‘phù phép’ thành ’thần dược’ trên Facebook, Youtube, Tiktok

Nguyễn Diệp Linh
“Thật nguy hại khi các thực phẩm chức năng, các loại thuốc ngày ngày vẫn được phù phép, quảng cáo có tác dụng tự như thần dược trên các ứng dụng lớn như Facebook, Youtube, Tiktok, thậm chí là các trang báo điện tử chính thống”, đại biểu Quốc hội lên tiếng.

 

 Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam)Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam)

Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, cần nghiêm cấm

Chiều 10/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Theo đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) hiện nay, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn tồn tại bởi một mặt do công tác quản lý, mặt khác do tâm lý người tiêu dùng mong muốn tìm đến hàng hóa giá rẻ, trong khi người sản xuất, kinh doanh thì thổi bùng chất lượng đánh lừa người tiêu dùng.

Bà Trinh đề nghị trong dự thảo luật cần xem xét bổ sung quy định về “trách nhiệm của người tiêu dùng” trong trường hợp xảy ra hậu quả mà người tiêu dùng cũng có lỗi khi không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ. Bên cạnh đó, theo đại biểu, hiện nay trên môi trường không gian mạng, các loại quảng cáo trên các nền tảng trình duyệt, ứng dụng giải trí dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng mà chưa được sự kiểm soát chặt chẽ.

“Thật nguy hại khi các sản phẩm chức năng, các loại thuốc ngày ngày vẫn được phù phép, quảng cáo có tác dụng tự như thần dược trên các ứng dụng lớn như Facebook, Youtube, Tiktok, thậm chí là các trang báo điện tử chính thống. Vừa qua, tình trạng một số nghệ sĩ Việt Nam quảng cáo thuốc, mỹ phẩm sai sự thật đã được báo chí lên án nhưng chế tài đối với các vấn đề này vẫn chưa được xây dựng đầy đủ”, đại biểu Trinh phản ánh, đồng thời đề nghị quy định rõ hành vi chuyển tải các quảng cáo sai sự thật là một trong các hành vi cấm.

 Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh)

Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh)

Bồi thường ngay cả khi thiệt hại chưa xảy ra?

Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho rằng, quy định việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về Luật Dân sự. Bà quan tâm đến nguyên tắc trách nhiệm bồi thường khi có thiệt hại thực tế xảy ra.

Như chúng ta đã biết, trong thực tế không phải lúc nào thiệt hại cũng phát sinh ngay khi người tiêu dùng sử dụng hàng hóa. Ví dụ, trong nước tương chứa chất 3-MCPD vượt tiêu chuẩn cho phép thì có khả năng gây nhiễm độc gan. Sữa có chứa melatonin sử dụng trong thời gian dài có thể làm hỏng thận hay gây ung thư ruột. Những hậu quả và thiệt hại này khoa học hoàn toàn có thể chứng minh được nó ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng dù ít hay nhiều”, bà Vân nêu.

Tuy nhiên, theo đại biểu, hậu quả của nó không phát sinh ngay tại thời điểm người tiêu dùng sử dụng sản phẩm mà phải trải qua một thời gian dài, có khi đến vài năm hay vài chục năm sau thì mới bộc phát. Lúc ấy liệu người tiêu dùng có phải chờ đến khi có thiệt hại thực tế xảy ra mới có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại?

Đại biểu đề nghị bổ sung việc áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng không chỉ khi có thiệt hại thực tế xảy ra mà ngay cả khi thiệt hại chưa xảy ra trên thực tế, chỉ cần có căn cứ chứng minh thiệt hại đó chắc chắn sẽ xảy ra.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng băn khoăn về thời điểm xác định khi doanh nghiệp không phải bồi thường. “Chúng ta còn nhớ vụ hãng xe Toyota Việt Nam thu hồi hơn 30.000 xe Camry, Innova, Corona được sản xuất từ năm 2013 đến năm 2019 do lỗi bơm xăng. Nếu áp vào nội dung khoản 1 Điều 35 này thì hãng Toyota không phải có trách nhiệm, bởi vì khi xuất xưởng họ đã có phiếu đánh giá, kiểm định chất lượng, khi chúng ta đưa xe vào lưu thông thì cũng có kiểm định. Nếu tính đến thời điểm này thì sau thời điểm cung cấp hàng hóa, người ta không chịu trách nhiệm”, bà Vân cho hay.

Trên cơ sở đó, đại biểu đề xuất theo hướng: "Khi chứng minh được khuyết tật sản phẩm, hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học kỹ thuật của thế giới tính đến thời điểm hàng hóa gây ra thiệt hại", để làm sao doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn với hàng hóa của họ, rồi người tiêu dùng cũng bớt chịu rủi ro.

Theo báo Tiền Phong