1. Ai có thể mắc đậu mùa khỉ?
Bất cứ ai cũng có thể bị bệnh đậu mùa khỉ. Ở châu Phi, hầu hết các trường hợp mắc bệnh là trẻ em dưới 15 tuổi. Bên ngoài châu Phi, căn bệnh này dường như phổ biến hơn ở nam giới quan hệ tình dục đồng giới, nhưng có rất nhiều trường hợp không thuộc nhóm này.
Sau khi phơi nhiễm, có thể mất vài ngày đến vài tuần trước khi xuất hiện các triệu chứng. Các dấu hiệu ban đầu của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm các triệu chứng giống cúm như:
• Sốt
• Ớn lạnh
• Nhức đầu
• Đau nhức cơ bắp
• Mệt mỏi
• Sưng hạch bạch huyết
Sau một vài ngày, phát ban thường phát triển. Phát ban bắt đầu là những nốt mụn đỏ, phẳng, có thể gây đau đớn. Những vết sưng tấy đó biến thành mụn nước, chứa đầy mủ. Cuối cùng, các mụn nước đóng vảy và bong ra, toàn bộ quá trình này có thể kéo dài từ hai đến bốn tuần. Người bệnh cũng có thể bị lở loét ở miệng, âm đạo hoặc hậu môn.
Không phải tất cả mọi người bị bệnh đậu mùa khỉ đều phát triển tất cả các triệu chứng. Trên thực tế, trong đợt bùng phát hiện tại, nhiều trường hợp không theo mô hình triệu chứng thông thường. Biểu hiện không điển hình này chỉ bao gồm một số tổn thương, không sưng hạch bạch huyết, ít sốt và các dấu hiệu bệnh tật khác. Nhưng ngay cả khi không có nhiều dấu hiệu nhiễm trùng, bạn vẫn có thể lây lan cho những người khác khi tiếp xúc gần gũi trong thời gian dài.
2. Bị đậu mùa khỉ nên ăn gì để mau khỏi bệnh?
Trong trường hợp đã được chẩn đoán mắc đậu mùa khỉ, điều quan trọng là phải tập trung vào một chế độ ăn uống cân bằng, uống nhiều nước và nghỉ ngơi để hồi phục hoàn toàn. Khi bị đậu mùa khỉ người bệnh nên sử dụng những thực phẩm ít đạm, lành tính, thức ăn dưới dạng lỏng và dễ tiêu hóa. Có thể cho bệnh nhân ăn cháo đậu xanh, các loại rau như rau ngót, mướp đắng, cải thảo, rau sam…
Sau mắc đậu mùa khỉ, cần ăn thực phẩm chứa nhiều protein vì protein là một trong những chất dinh dưỡng quan trọng nhất giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hùng (Bệnh viện Xanh Pôn), protein là thành phần thiết yếu cấu trúc, hình thành, duy trì, tái tạo cơ thể nên cơ thể cần bổ sung protein qua chế độ ăn hàng ngày. Đó là lý do hậu quả của việc thiếu protein sẽ vô cùng nghiêm trọng như: Suy dinh dưỡng, trẻ em chậm lớn, thường ốm đau, bệnh tật do sức đề kháng giảm.
Bổ sung protein giúp chữa lành các tổn thương tế bào do các bệnh gây ra. Vì vậy, những người đang hồi phục sau mắc bệnh đậu mùa khỉ cần tăng cường các loại thực phẩm như hạt và quả hạch, đậu lăng, các sản phẩm từ sữa, thịt gà, trứng và cá…
Chất lỏng đóng vai trò rất quan trọng trong việc bổ sung khoáng chất, vitamin trong cơ thể và thải độc tố ra ngoài. Khi mắc đậu mùa khỉ, cần bổ sung nhiều nước hơn trong chế độ ăn uống như nước dừa, nước cam tươi, nước lọc…
Uống nước có thể giúp bạn giữ nước và đào thải chất độc ra khỏi cơ thể. Nhưng bạn phải tránh uống quá nhiều cà phê, trà, rượu, hút thuốc, soda, cola, và các loại nước tăng lực khác có thể làm xấu đi sức khỏe của bạn. Nước dừa chứa nhiều khoáng chất và vitamin quan trọng giúp làm mát cơ thể và tăng cường khả năng miễn dịch.
Ăn các loại trái cây và rau có màu sắc khác nhau được rửa kỹ để cung cấp các chất dinh dưỡng thực vật như quả mọng, dưa chuột, rau bina, bông cải xanh, đào.
Tăng cường ăn các thực phẩm giàu protein như đậu nành, pho mát, sữa chua, rau mầm.
3. Đậu mùa khỉ kiêng ăn gì?
Bệnh đậu mùa khỉ rất nghiêm trọng nên việc ăn uống và kiêng cữ là điều cần thiết. Người mắc bệnh đậu mùa khỉ cần hạn chế những loại gia vị cay nóng như tỏi, ớt, hạt tiêu, gừng, cà ri, mù tạt... Các loại thịt như thịt dê, thịt chó và các loại gia cầm hải sản như tôm, sò, ngao, ốc.
Một số loại quả như vải, nhãn, mận, mít, xoài cũng là những loại quả mà người mắc bệnh thủy đậu cần tránh. Đặc biệt, người mắc bệnh thủy đậu phải kiêng với nhục quế vì vị thuốc này có tính đại nhiệt, thuần dương. Với tác dụng ổn nhiệt trợ hỏa nên rất nguy hiểm cho bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu.
Tránh thức ăn mặn như khoai tây chiên, thức ăn đóng gói ăn liền, súp chế biến sẵn.
4. Chủ động phòng bệnh đậu mùa khỉ
Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như:
Một, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
Hai, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
Ba, đối với người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
Bốn, cần tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở hoặc nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
Năm, người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam, cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
Sáu, cần đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.