Nhập viện cấp cứu sau khi tự điều trị cúm tại nhà
Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, chủng virus gây cúm A đang lưu hành chủ yếu hiện nay là cúm A/H1N1 và A/H3N2, cúm B - là những chủng cúm đã có vaccine phòng bệnh hiệu quả, chưa phát hiện chủng cúm A có độc lực cao như: H5N1, H7N9, H5N6, H5N8.
Dù đến thời điểm này, chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do cúm A, biểu hiện bệnh cũng tương đối nhẹ nhưng người dân tuyệt đối không chủ quan. Tại các cơ sở y tế đã ghi nhận nhiều trường hợp phải cấp cứu vì chủ quan nghĩ mắc cúm thông thường.
Đêm ngày 19/7, chị P.T.Hoa (34 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt cao sau nhiều ngày tự điều trị bằng thuốc cảm cúm tại nhà mà không khỏi.
Chị cho biết thêm, ngày 12/7, có những triệu chứng đầu tiên là ho, sổ mũi. Ban đầu, chị nghĩ là cảm cúm thông thường do nằm điều hòa nên đã tự điều trị bằng thuốc cúm.
Nhưng sau 6 ngày, tình trạng bệnh không giảm mà còn có thêm triệu chứng ho có đờm, chảy nước mũi liên tục. Đến ngày thứ 7, chị sốt 39 độ, người mất sức nhiều nên lập tức trong đêm đến viện khám. Sau khi test, chị có kết quả dương tính với cúm A và được yêu cầu nhập viện ngay để điều trị.
Sức khỏe của chị chưa kịp bình phục thì sau 1 ngày chị nhập viện, bé N.M.K (14 tháng tuổi) là con chị Hoa ở nhà cũng có biểu hiện sốt, ho, nôn trớ…
Lo lắng bé lây cúm A từ mẹ, cùng tình trạng li bì kéo dài, gia đình lập tức đưa bé vào viện khám. Kết quả xét nghiệm dương tính cúm A nên bệnh viện có chỉ định nhập viện gấp.
Suốt thời gian chăm nhau tại bệnh viện, cả hai mẹ con chị Hoa đều rất mệt mỏi, mất sức. Sau hai tuần điều trị, may mắn sức khỏe của hai mẹ con chị Hoa đã ổn định và được xuất viện về nhà.
Bác sĩ nội trú Trần Tiến Tùng, Chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết: Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus, có khả năng lây nhiễm cao và rất nhanh trong cộng đồng. Cúm A lây lan qua đường giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện.
Biến chứng bệnh cúm A là viêm phổi, biến chứng về tim mạch, thần kinh, viêm cơ. Ngoài ra, bệnh này còn các biến chứng nặng hơn như bệnh nhân bị bội nhiễm, nhiễm trùng, nhiễm độc.
Bệnh cúm hay gặp, nhưng không vì thế mà người dân lơ là, chủ quan, đặc biệt trong giai đoạn dịch diễn biến khó lường như hiện nay rất có nguy cơ “dịch chồng dịch” sốt xuất huyết, Covid-19, thậm chí là cả bệnh đậu mùa khỉ.
Tránh biến chứng do cúm A
Để tránh biến chứng và hậu quả khôn lường có thể xảy ra do cúm, người bệnh cần lưu ý những điểm sau:
Xét nghiệm chẩn đoán cúm: Là chỉ số đầu tay và bắt buộc để chẩn đoán chính xác có mắc cúm hay không. Việc này có ý nghĩa quan trọng, mang tính quyết định chăm sóc và chữa trị cho bệnh nhân.
Hiện nay việc chẩn đoán bệnh cúm diễn ra rất thuận lợi, dễ dàng bằng các chỉ số xét nghiệm. Vì vậy, khi có dấu hiệu của bệnh cúm người dân nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, xét nghiệm kịp thời.
Thời gian làm xét nghiệm: Nếu xuất hiện các dấu hiệu của cúm như ho, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, hắt xì, đau họng, sốt, đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể; thì sau sốt 24 giờ là thời điểm thích hợp nhất có thể làm xét nghiệm để biết được có bị cúm hay không.
Tuân thủ hướng dẫn, kê đơn: Cúm chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên người bệnh không được uống thuốc bừa bãi, cần uống thuốc theo đơn bác sĩ hướng dẫn.
Người bệnh không nên quá lo lắng khi mắc cúm, bởi thông thường bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau vài ngày và hết hẳn các triệu chứng sau 1 - 2 tuần.
Cần lưu ý chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt: Bổ sung nước vì nước giải độc cho cơ thể người bệnh, nước còn có tác dụng làm loãng dịch gây tắc nghẽn mũi và ngăn ngừa nhiễm trùng cơ thể; Ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu và nhiều dinh dưỡng (cháo, súp gà);
Bổ sung thực phẩm giàu kẽm (thịt bò, tôm, hàu, sò, thịt gà, ngũ cốc, yến mạch...); Ăn các loại rau củ quả; Thêm gừng, tỏi khi chế biến đồ ăn; Ăn các loại trái cây giàu vitamin C tăng hệ miễn dịch (cam, quýt, bưởi).
Lưu ý, khi có chẩn đoán cúm A, người bệnh cần tránh đến nơi đông người để hạn chế lây lan ra cộng đồng.
Nếu bệnh nhân sốt cao không hạ, không thể ăn uống, hay xuất hiện triệu chứng khác như ho, khạc đờm rất nhiều hoặc bệnh nhân rối loạn ý thức, đau bụng, tiêu chảy hoặc triệu chứng khác như viêm cơ, có dấu hiệu thần kinh… cần nhập viện.
Cách phòng ngừa virus cúm A
Mọi người cần vệ sinh cá nhân tốt như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra đường, tránh đám đông lớn. Đặc biệt, là trong khi dịch cúm bùng phát, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, khi bị sốt thì ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi hết để tránh lây nhiễm cho người khác.
Ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để bảo đảm sức khỏe phòng ngừa cúm A.
Thường xuyên lau sạch, vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường, mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc.
Để chủ động phòng tránh dịch bệnh, cách tốt nhất là tiêm vaccine ngừa cúm A hằng năm. Mỗi 1 mũi tiêm có thể chống lại 3-4 loại virus cúm khác nhau trong mùa cúm năm đó. Đặc biệt là gia đình có trẻ em, tiêm đủ, đúng lịch, tiêm nhắc lại.
bội nhiễcúm A,m, biến chứng, gia tăng bất thường, virus cúm