Những người khuyết tật đủ điều kiện được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội cũng sẽ được hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội thường xuyên. Gia đình có người khuyết tật đang ở nhà chưa đạt chuẩn sẽ được hỗ trợ xây nhà mới; hộ gia đình có người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm, lo sinh kế. Trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật.
Bên cạnh đó, các cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% lao động là người khuyết tật được ưu tiên vay vốn, được hưởng các ưu đãi khác của Chính phủ cũng như Quảng Ninh quy định. Đối với các công trình kiến trúc xây dựng mới phải đảm bảo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận…
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh, tỉnh hiện có hơn 19.000 người khuyết tật. Trong đó, có 3.367 người khuyết tật có khả năng lao động, 15.918 người khuyết tật không có khả năng lao động. Số người khuyết tật có việc làm ổn định chỉ khoảng 1.000 người, không có việc làm là 16.406 người, chiếm 85,07% số người khuyết tật.
Chung tay giải quyết an sinh xã hội, Quảng Ninh đã vận động thành lập và có quyết định công nhận 10 cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% số lao động trở lên là người khuyết tật, tạo việc làm cho 201 lao động là người khuyết tật, mức thu nhập hằng tháng từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/người. Từ năm 2006, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên của cả nước thành lập Quỹ Việc làm cho người khuyết tật, nguồn quỹ này được hỗ trợ cho các doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật mua sắm thiết bị, nâng cấp mở rộng cơ sở vật chất, tạo việc làm cho người khuyết tật.
Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, những hỗ trợ và tạo điều kiện cho người khuyết tật để người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cũng như xây dựng xã hội không rào cản với người khuyết tật.