Không được chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

Lã Thị Thúy hằng
Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn đang lưu hành cùng với sự xuất hiện của sốt xuất huyết khiến cho rất nhiều người nhầm lẫn nên có những hướng xử trí sai lầm dẫn tới việc bị biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.

Khó điều trị và tốn kém do nhập viện muộn

"Theo chu kỳ dịch bệnh thì cứ sau 5 năm sẽ có một đỉnh dịch sốt xuất huyết. Lần dịch xảy ra lớn và gần đây nhất vào năm 2017. Năm 2022, theo dự báo có thể sẽ xuất hiện đỉnh dịch. Hiện miền Nam số người mắc sốt xuất huyết tăng khá cao, đã có những ca mắc nặng. Nhưng tại miền Bắc tới tháng 5 nhưng thời tiết vẫn đang còn lạnh, do vậy bệnh sốt xuất huyết sẽ đến chậm hơn các năm. Khả năng dịch tại miền Bắc sẽ rơi vào khoảng tháng 7-8/2022

Theo BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng Khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), bệnh viện đã ghi nhận bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tới nhập viện. Tuy số lượng bệnh nhân chưa cao đột biến nhưng đa phần các bệnh nhân đều vào viện trong tình trạng nặng. Nguyên nhân các bệnh nhân tới viện mắc sốt xuất huyết tới bệnh viện Thanh Nhàn đều đã chuyển biết nặng là do bệnh nhân nghĩ mình mắc COVID-19 và đã tiêm 3 mũi vaccine nên chủ quan. Khi sốt cao tới ngày thứ 3 tới hệ bệnh nhân mới vào viện tiểu cầu đã giảm sâu.

Cụ thể, như nam bệnh nhân đang điều trị tại viện, nhập viện khi sốt 3 ngày vì chủ quan nghi mình mắc Covid-19. Khi nhập viện, bệnh nhân rất mệt mỏi, tiểu cầu giảm nhưng may mắn chưa xuất hiện tình trạng xuất huyết nội tạng, dưới da...

Theo các bác sĩ, khi bị sốt xuất huyết, việc nhập viện muộn khiến tình trạng bệnh càng thêm nguy kịch, việc điều trị khó khăn và tốn kém hơn. "Biến chứng nguy hiểm nhất của sốt xuất huyết là giảm tiểu cầu, từ đó dẫn tới tình trạng xuất huyết não, xuất huyết dưới da, xuất huyết nội tạng…

Trong đó xuất huyết nội tạng rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao. Chính vì vậy mọi người khi có dấu hiệu bất thường cần đến cơ sở y tế để thăm khám, từ đó bác sĩ sẽ chỉ định xem có cần nhập viện hay không", bác sĩ Hường phân tích.

Bác sĩ Hường cho rằng, nhiều trường hợp nhập viện gần đây thường nhầm lẫn sốt xuất huyết với Covid-19. Có người nghĩ mình bị Covid-19, cho rằng đã tiêm vắc xin rồi chỉ 1-2 ngày sẽ đỡ. Thậm chí có trường hợp test âm tính thì lại càng yên tâm hơn. Đây thực sự là vấn đề rất đáng cảnh báo, vì mắc sốt xuất huyết tiểu cầu giảm nhanh, nếu không được can thiệp thì sẽ rất nguy hiểm.

Chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Theo bác sĩ Hường, với Covid-19, hiện nay đa số mọi người đã được tiêm vắc xin nên triệu chứng sẽ nhẹ. Thông thường người bệnh F0 chỉ ngây ngấy sốt, thường ở mức dưới 39 độ C, cơ thể sẽ hơi uể oải chứ không đau mỏi nhiều. Hơn nữa Covid-19 có thể test nhanh, nếu âm tính thì cần nghĩ đến vấn đề khác, trong đó có sốt xuất huyết. Với sốt xuất huyết, bệnh nhân thường sốt rất cao, thậm chí trên 40 độ C. Ngoài đau mỏi người, đau cơ thì còn xuất hiện những cơn đau đầu dữ dội. Hơn nữa, sốt xuất huyết cần phải lấy máu xét nghiệm mới đưa ra kết quả chính xác. Sốt xuất huyết giai đoạn sau có thể xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa...

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Sốt xuất huyết và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do vi rút gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: Biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người. Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau.

“Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền. Ngoài ra, sốt xuất huyết điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Đối với bệnh nhân mắc Covid-19 thì ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người mắc Covid-19 thì còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở,… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp”.

Theo các chuyên gia y tế, số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn lưu hành, thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với Covid-19 như: Sốt, đau mỏi cơ. Do đó nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, đồng thời yêu cầu làm xét nghiệm khẳng định, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc.

Ngoài ra, các chuyên gia y tế cũng cho biết thêm, với trường hợp mẹ có con nhỏ nếu mắc sốt xuất huyết không nên dừng cho con bú, vì sốt xuất huyết lây qua vật chủ trung gian là muỗi chứ không lây qua sữa mẹ. Đồng thời, để chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch ngay tại nhà. Trong đó, người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để hạn chế chỗ cho muỗi sinh sản và phát triển như bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, các dụng cụ chứa nước khác như xô, thùng chậu, chai, lọ.

Thường xuyên thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như xô, thùng, chậu, lọ hoa. Lật úp các dụng cụ chứa nước không sử dụng… Bên cạnh đó, người dân cần tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch và trong các đợt thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy nhằm phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả.

Lã Hằng