“Anh Ba Đạt” là tên gọi thân mật của ông Lê Văn Cư (54 tuổi, quê An Giang). Mọi người gọi ông bằng cái tên ấy vì những việc làm ý nghĩa ông đóng góp cho bà con trong suốt 14 năm qua.
“Anh Ba Đạt” đã cùng với anh em của mình đã xây dựng hàng trăm cây câu cho người dân ở các tỉnh miền Tây mà không lấy bất cứ một đồng tiền công nào.
Ngày nhỏ nhà ông Cư nghèo lắm, học xong lớp 9 thì ông phải nghỉ học đi làm phụ hồ, ở đợ kiếm sống. Khi lấy vợ, ông được cha mẹ cho chiếc ghe nhỏ để bán rau cải, hành, hẹ trên sông. Bao năm tích cóp, vợ chồng ông mua được mảnh đất nhỏ ở chân cầu để định cư.
Từng trải qua những ngày tháng phải quăng thân chuối làm cầu để đi qua rạch, té ướt như chuột nên ông càng thấu hiểu ước mong có cầu của bà con miền Tây.
Ông Cư tâm sự: “Ngày đó tôi khổ, giờ có ăn nên muốn chia sẻ lại, chia sẻ cả tinh thần, vốn liếng. Tôi không bon chen nữa nên rút lui dễ lắm. Tiền của nhà tài trợ thì phải tính toán sao cho tiết kiệm nhất có thể, vừa giúp được nhà tài trợ, vừa giúp được bà con địa phương”.
Chính vì vậy bất cứ nhà từ thiện nào có nhu cầu, liên hệ ông Cư thiết kế thì ông sẽ tính toán để cây cầu tiết kiệm chi phí đến mức tối đa nhất. Đặc biệt, ông không nhận tiền công xây dựng, thỉnh thoảng còn góp thêm kinh phí.
Ông Cư thật thà kể chi phí để xây dựng được một cây cầu: "Cầu đáy dày không như cầu bê tông, mỗi cây 3 người làm chỉ chừng 10 ngày là xong. Cầu dài dưới 20 m thì 100 triệu đổ lại; dài tới 80 m thì khoảng 1,2 tỷ, còn làm cầu bê tông thì chắc phải tới 8 - 9 tỉ đồng. 14 năm qua tôi đều đi như vậy, riêng với nhóm từ thiện của anh Võ Đắc Danh là gần 100 cây, còn các nhóm khác ở Sài Gòn nhiều lắm, có cả cầu thép, cầu bê tông. Nhà tài trợ gọi là tôi gật đầu, dù chẳng biết họ là ai. Đi miết xưa vợ cằn nhằn mà, giờ thì hết rồi".
Bà Trần Thị Hoa (52 tuổi, vợ ông Cư) kể ngày trước hai vợ chồng mưu sinh cực khổ, đến khi làm ăn được đôi chút, ông cũng thỉnh thoảng đi ăn uống với bạn bè, nhưng từ ngày xây cầu không lấy công, chồng bà chuyển hẳn sang ăn chay trường.
“Xưa ông ấy đi không về nhà luôn, giờ thì ổn định, chạy đi chạy về, không lo toan gì về kinh tế, chỉ lo xây cầu thôi”, bà Hoa nói.
Ông Cư vẫn hay nói đùa: “Làm cầu vì đam mê và vì chưa hết nghiệp với đời. Khi nào nhà hảo tâm không nhờ xây cầu nữa thì tôi về nấu cơm cho vợ”.
Suốt nhiều năm gắn bó với công việc này, dù gặp bao khó khăn, vất vả, đứng dãi nắng, dầm mưa ngoài đường, chẳng thể kể nỗi những lần bị thương nữa nhưng khi công trình hoàn thành nhìn mọi người vui là những sự mệt mỏi đều tan biến hết.
Với chiếc xe Cub cà tàng, “anh Ba Đạt” len lỏi từ Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Vĩnh Long… để khảo sát và thi công cầu bất kể mưa nắng, chỉ cần nhà tài trợ nhờ là ông giúp. Bởi trong thâm tâm ông chỉ mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm làm cầu tiết kiệm của mình để cùng nhân rộng công việc ý nghĩa này, giúp được nhiều bà con hơn.
Trước đó cũng từng có một người đàn ông Nguyễn Văn Sáu Nhỏ (54 tuổi, ngụ ấp 18, xã Tân Long), người khởi xướng phong trào xây cầu thiện nguyện ở xã Tân Long.
Sau 3 năm đi vào hoạt động, nhóm xây cầu của ông Sáu Nhỏ đã xây mới được 12 cây cầu ở thị xã Ngã Năm, 35 cầu ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) và hiện chuẩn bị xây thêm 4 cây cầu nữa ở xã Tân Long. Bình quân mỗi cây cầu được xây dựng với kinh phí từ 70-75 triệu đồng, có một số cây trên 100 triệu đồng.
Không những vậy, các thành viên của đội còn tham gia vận động nhân dân trong ấp hiến đất, đổ cát làm nền hạ được 4.700 mét đường giao thông nông thôn trong ấp. Tổng nguồn lực huy động được để xây dựng hệ thống giao thông tại địa phương đã lên đến hàng tỷ đồng.