Những giáo viên tình nguyện đồng hành cùng học sinh vùng khó

Nguyễn Hồng Hạnh
Với tấm lòng yêu thương, mong muốn được chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn của học sinh vùng cao, năm học 2022-2023, địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có 25 giáo viên tình nguyện viết đơn lên các xã vùng sâu, vùng xa, miền núi dạy học. Khi bài toán thiếu giáo viên đang diễn ra hết sức nan giải, điều này đã góp phần giúp các trường vùng cao giải quyết được khó khăn, kịp thời giúp các học sinh theo kịp chương trình…

Chú thích ảnh Thầy Lê Kiên Cường, dạy môn Hóa Trường Trung học phổ thông Vĩnh Định tình nguyện lên tăng cường cho Trường Trung học phổ thông A Túc (huyện Hướng Hóa).

Trường Trung học Phổ thông A Túc của huyện miền núi Hướng Hóa là một trong những ngôi trường khó khăn nhất của tỉnh Quảng Trị ở khu vực biên giới Việt Nam - Lào. Trường hiện có 3 khối lớp với hơn 450 học sinh, chủ yếu là con em người đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều thuộc các xã vùng khó trên tuyến Lìa của huyện Hướng Hóa. Gần 3 tuần trôi qua kể từ đầu năm học mới, thầy Lê Kiên Cường, dạy môn Hóa đã quen với cuộc sống tại trường cũng như học sinh và phụ huynh trong bản.

Thầy Lê Kiên Cường giáo viên của Trường Trung học Phổ thông Vĩnh Định, huyện Triệu Phong, trước đó đã có 10 năm dạy học tại huyện Đakrông. Trong năm học này, thầy Cường không nằm trong diện luân chuyển. Nhưng với tình yêu đối với học trò vùng cao, thầy vẫn tình nguyện viết đơn lên vùng cao Hướng Hóa dạy học. Trường cách xa nhà gần 150km, thầy được bố trí ở lại nhà ở tập thể giáo viên của trường. Vợ thầy hiện đang học thạc sĩ tại Đại học Sư phạm Huế, hai người con của thầy một cháu học lớp 2, một cháu học lớp 8 đang gửi nhờ nhà bà ngoại chăm sóc.

Chia sẻ với chúng tôi, thầy Cường tâm sự, tuổi thanh xuân của thầy có 10 năm gắn bó với học trò người đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều nên rất hiểu tâm lý, tình cảm, suy nghĩ và hoàn cảnh của các em. Bỏ hết tất cả công việc ở đồng bằng để lên đây là một quyết định lớn nhưng thầy nghĩ là đúng đắn. Thầy yêu những ánh mắt, nụ cười của trẻ vùng cao nên muốn cống hiến một phần trí lực của mình dạy dỗ các em, cùng các em vượt qua khó khăn. "Rất may, quyết định của tôi được gia đình ủng hộ, do vậy tôi yên tâm công tác. Bên cạnh đó, tôi được Ban Giám hiệu nhà trường tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong ăn, ở, sinh hoạt nên thấy rất vui và thuận lợi", thầy Lê Kiên Cường chia sẻ.

Chú thích ảnh

Thầy Võ Văn Tuấn, giáo viên môn Vật Lý ở Trường Trung học phổ thông Vĩnh Định tình nguyện lên tăng cường cho Trường Trung học phổ thông A Túc (huyện Hướng Hóa).

Cũng như thầy Cường, thầy giáo Võ Văn Tuấn, giáo viên môn Vật Lý ở Trường Trung học Phổ thông Vĩnh Định viết đơn tình nguyện lên tăng cường cho Trường Trung học Phổ thông A Túc. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu đối với học sinh cũng như khó khăn về cơ sở vật chất và đồ dùng dạy học, hiện nay mọi việc đã dần đi vào nề nếp. Chỉ sau một thời gian ngắn ở đây giảng dạy, nhận thấy học sinh nơi đây thiếu thốn nhiều thứ, thầy Tuấn đã đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân huy động hơn 2.000 cuốn vở, gần 500 bút viết, 26 máy tính cầm tay và nhiều phần quà hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của trường.

Thầy Tuấn cho biết muốn đóng góp một phần sức nhỏ của mình để các em học sinh nơi đây phần nào vơi bớt khó khăn, có động lực vươn lên trong học tập và cuộc sống. Qua thực tế giảng dạy tại trường, trung bình mỗi lớp học có từ 36-37 học sinh, nhưng chỉ có 3-4 em có đầy đủ dụng cụ học tập, còn lại thiếu rất nhiều. Do đó, thầy đã đứng ra kêu gọi người quen, học sinh cũ đã ra trường đóng góp các dụng cụ học tập, máy tính không sử dụng để tặng học sinh. "Mỗi người chỉ cần cho đi một ít nhưng giúp đỡ đúng người sẽ có thể thay đổi một cuộc đời, một số phận. Chính vì vậy, tôi muốn sống không chỉ cho bản thân và gia đình mà còn cho các em và xã hội…", thầy Võ Văn Tuấn nói.

Cũng trong dịp đầu năm học mới này, thầy giáo Nguyễn Dư Ngọ (trú tại thị xã Quảng Trị), giáo viên dạy môn Anh Văn Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Huệ đã viết đơn tình nguyện lên miền núi dạy học. Tổ Anh Văn nơi thầy Ngọ dạy học thừa một giáo viên, tuy nhiên phần lớn các giáo viên trong tổ là nữ, có con nhỏ, có bố mẹ già yếu, đi tăng cường khó khăn. Do vậy, thầy Ngọ đã xung phong lên Trường Trung học Phổ thông Đakrông dạy học. Thầy Lê Chí Thông, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Đakrông rất cảm động khi biết năm nay thầy Ngọ đã 54 tuổi mà vẫn xung phong lên tăng cường cho trường. Nhờ được thầy Ngọ tăng cường, năm học này, trường không thiếu giáo viên dạy Anh văn nữa. Các em học sinh được học đầy đủ chương trình trên lớp…

Trong bối cảnh toàn ngành giáo dục Quảng Trị đang gặp khó bởi tình trạng thừa giáo viên ở vùng đồng bằng, thiếu giáo viên ở vùng khó, những người nhà giáo như thầy Cường, thầy Tuấn, thầy Ngọ đã thể hiện tinh thần xung phong, không ngại khó, ngại khổ vì học sinh vùng cao và sự nghiệp “trồng người” cao cả.

Thầy Nguyễn Tửu, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông A Túc cho biết, học sinh của trường chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số của tuyến vùng Lìa, điều kiện kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng khó khăn nhất vẫn là tình trạng thiếu giáo viên. Thế nhưng năm học 2022-2023, việc kịp thời tiếp nhận các giáo viên ở trường khác đến tăng cường cho nhà trường là điều đáng trân quý. Bởi nhờ đó, phần nào hỗ trợ nhà trường đáp ứng tốt nhiệm vụ giảng dạy mà ngành đã giao…

Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết: Năm học 2022-2023 này triển khai chương trình dạy học mới, ngành đối mặt với tình trạng, đội ngũ giáo viên vừa thừa, vừa thiếu, cơ cấu không đồng bộ. Có trường thừa giáo viên, có trường thiếu một số môn, đặc biệt là các địa bàn khó khăn. Để đảm bảo việc dạy học trước mắt, Sở Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với các trường để rà soát, sắp xếp, thống nhất phương án bố trí giáo viên. Bên cạnh đó, Sở đã có kiến nghị bổ sung chỉ tiêu biên chế đối với các môn học thiếu giáo viên như Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Anh Văn… Tuy nhiên, trong lúc chưa có chỉ tiêu tuyển dụng, chỉ tiêu tinh giảm biên chế đã được đưa ra, nên khó khăn trong việc bổ sung mới giáo viên. Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra bài toán khó giải, áp lực rất lớn cho các trường và cho ngành Giáo dục trong thời gian tới.

Đầu năm học, ngay khi Sở thông tin về tình trạng thừa giáo viên ở vùng thuận lợi và thiếu giáo viên ở vùng khó khăn, rất nhiều thầy, cô giáo đã chia sẻ khó khăn với ngành viết đơn tình nguyện lên miền núi dạy học. Sở rất trân trọng trách nhiệm và sự sẻ chia khó khăn của các giáo viên đối với ngành trong thời điểm hiện nay. Điều đó thể hiện tấm lòng, trách nhiệm với ngành Giáo dục và đặc biệt là với học sinh. Các thầy các cô đã góp phần làm lan tỏa những thông điệp tốt đẹp trong ngành Giáo dục Quảng Trị luôn luôn sẵn sàng có mặt mọi lúc, mọi nơi không nề hà gian khó để bám trường, dạy học sinh…