Người bệnh hen phế quản nên ăn gì?

Lã Thị Thúy Hằng
Mặc dù không có loại thực phẩm hoặc chế độ ăn uống cụ thể nào là tốt nhất cho bệnh nhân hen phế quản nhưng một chế độ ăn uống đủ chất, cân bằng và lành mạnh phải là một phần quan trọng trong điều trị và kiểm soát bệnh hen phế quản.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh hen phế quản có thể được kiểm soát tốt nếu được điều trị đúng cách, theo dõi chặt chẽ, dùng thuốc dự phòng đều đặn và tái khám định kỳ để đánh giá tình trạng bệnh.

Đặc biệt cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước. Trong chế độ ăn uống nên ưu tiên các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, vitamin giúp làm giảm các triệu chứng bệnh, tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa tái phát hiệu quả.

Những thực phẩm tốt nhất cho người bệnh hen bao gồm nhiều trái cây và rau tươi, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, vitamin và magiê.

Tăng cường ăn rau và trái cây tươi hỗ trợ chức năng phổi

Thực phẩm nên ưu tiên trong chế độ ăn uống của người mắc bệnh hen phế quản là rau và trái cây tươi. Chúng không chỉ chứa ít calo giúp duy trì cân nặng mà còn chứa các chất dinh dưỡng thiết yếu có thể hỗ trợ chức năng phổi khỏe mạnh. Thừa cân cũng có thể là yếu tố làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen phế quản

Trái cây và rau quả chứa nhiều chất chống oxy hóa như beta-carotene và vitamin C và E. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả, đặc biệt là táo và cam, có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh hen và giảm thở khò khè.

Chuối cũng có thể làm giảm tỷ lệ thở khò khè ở trẻ em do hàm lượng chất chống oxy hóa và kali cao có thể cải thiện chức năng phổi.

Ngoài ra, người bệnh nên bổ sung vào chế độ ăn các loại rau quả khác như: bông cải xanh, quả mọng, rau lá xanh, dưa và bơ.

Thực phẩm giàu vitamin

- Thực phẩm giàu vitamin A: Nhờ đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ, vitamin A có thể giúp chống lại stress oxy hóa và hỗ trợ hệ miễn dịch khỏe mạnh và cải thiện chức năng phổi.

Các nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin A như cà chua, cà rốt và các loại rau lá có thể cải thiện chức năng phổi và giảm các cơn hen ở người lớn.

a4-1657261648.png
Vitamin A giúp cải thiện chức năng phổi.

- Vitamin D: Vitamin D giúp tăng cường miễn dịch và có thể làm giảm viêm đường thở. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng bổ sung vitamin D có thể làm giảm tỷ lệ các cơn hen suyễn cần điều trị bằng corticosteroid.

Ngoài việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời đầy đủ, người bệnh nên ăn các loại thực phẩm như cá hồi, sữa và các sản phẩm từ sữa để được bổ sung vitamin D.

- Vitamin E: Vitamin E có tác dụng chống oxy hóa mạnh. Nó cũng có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh hen như ho và thở khò khè. Các nguồn cung cấp vitamin E dồi dào bao gồm các loại hạt, cải xanh, bông cải xanh và cải xoăn.

Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa

Chất chống oxy hóa có thể bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại và hỗ trợ phổi khỏe mạnh. Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa bao gồm: Sô cô la đen, quả việt quất, atisô, dâu tây, cải xoăn, quả mâm xôi, bắp cải đỏ, củ cải, rau chân vịt…

Thực phẩm giàu magiê

Nghiên cứu cho thấy, bổ sung thực phẩm giàu magiê giúp giảm viêm và thư giãn cơ phế quản để không khí ra khỏi phổi.

Người bệnh hen nên ăn các thực phẩm giàu magiê bao gồm: Hạt bí ngô, rau chân vịt, hạt điều, cá hồi, các sản phẩm từ sữa ít béo, các loại ngũ cốc…

a1-1657261709.jpg
Thực phẩm giàu magiê.

Thực phẩm nào cần tránh

- Người bệnh hen phế quản nên tránh ăn các loại thực phẩm như: đậu, bắp cải, đồ uống có gas, tỏi, hành và đồ chiên rán. Chúng có thể gây đầy hơi, chướng bụng, dễ dẫn đến tức ngực, khó thở và lên cơn hen.

- Thực phẩm dễ gây dị ứng: Người bệnh hen phế quản hoặc có tiền sử hen phế quản nên lưu ý tránh thực phẩm dễ gây dị ứng như: hải sản, con nhộng, hạt cây… Nếu đã xác định được loại thức ăn mình bị dị ứng thì tuyệt đối không ăn loại thức ăn đó nữa.

- Thức ăn nhanh: Nên hạn chế thức ăn nhanh vì những thức ăn này chứa nhiều chất béo bão hòa, chất phụ gia và natri. Đối với những người mắc bệnh hen suyễn, nó có thể gây ra những nguy cơ xấu với sức khỏe và làm các triệu chứng trầm trọng hơn.

- Thực phẩm chứa sulfite: Sulfite là hóa chất thường được thêm vào thực phẩm và đồ uống để cải thiện mùi vị, hình thức hoặc thời hạn sử dụng. Những thức ăn như dưa cải bắp, trái cây sấy khô, thực phẩm ngâm chua… có hàm lượng sulfite rất cao. Những thực phẩm này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng và dẫn đến phản ứng bất lợi ở một số người bị bệnh hen phế quản.