Ngày hội đặc sắc
Từ xa xưa, người dân Minh Hóa đã dặn lòng với nhau rằng: “Thà rằng đau ốm mà nằm, không ai nỡ bỏ chợ rằm tháng 3…”.
Đến hẹn lại lên, cứ đến dịp rằm tháng 3 (âm lịch) thực khách và nhân dân Minh Hóa từ mọi miền tổ quốc lại tập trung về Thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Hóa) để dự một trong những dịp lễ quan trọng nhất của bà con nơi đây.
Đến với tuần lễ văn hóa rằm tháng 3 Minh Hóa, thực khách sẽ được hoà mình vào không khí tưng bừng của lễ hội và tham gia phiên chợ tình độc đáo. Tại đây, thực khách được tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc, lâu đời của cộng đồng người Nguồn, được sống lại trong những trò chơi dân gian đặc sắc của người dân địa phương như: trò đánh đu, đẩy gậy, ném xoang, bắn nỏ.
Đặc biệt, với vị trí địa lí trải dài và chạy dọc biên giới Việt – Lào, Minh Hóa còn nổi tiếng với nét văn hóa ẩm thực độc lạ. Suốt dịp lễ hội sẽ diễn ra phiên chợ rằm bày bán các sản vật của địa phương và các món ăn truyền thống đặc trưng của người dân Minh Hóa như ốc suối luộc, bồi ngô chấm mật ong rừng, khoai môn...
Qua năm tháng, văn hóa ẩm thực địa phương đã có nhiều nét mới, song người dân nơi đây vẫn luôn gìn giữ và phát huy những giá trị cốt lõi trong từng món ăn, nguyên liệu và cách chế biến.
Anh Quốc Huy, một người con Minh Hóa cho biết, dù đi làm ăn xa nhưng đến dịp rằm, anh và các thành viên trong gia đình lại sắp xếp thời gian để về tham dự ngày lễ đặc sắc của quê hương. “Rằm tháng 3 đối với chúng tôi như một ngày tết nhỏ của con em quê hương Minh Hóa. Về dịp này ngoài tham gia các phần lễ hội chung do địa phương tổ chức, thì đây là dịp để các thành viên gia đình gặp gỡ, sum vầy bên nhau”.
Theo các cao niên, lễ rằm tháng 3 có nguồn gốc gắn liền với câu chuyện cổ, xưa có 2 anh em nhà nọ lên lèn Ông Ngoi ở phía bắc Thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Hóa) để tìm mật ong. Lên đến đỉnh, họ gặp một giếng nước trong vắt, cạnh giếng có một cây quýt trĩu quả. Dưới bóng cây râm mát có 12 tượng đá giống hình ông Bụt.
Thấy đẹp, người anh đã khiêng một tượng đá mang xuống núi, đến thác Cúi họ đặt tượng đá xuống tắm rửa. Nhưng lạ thay khi tắm xong, người anh đến nhấc tượng đá lên để mang về thì không sao nhấc nổi. Kể từ đó, thác Cúi nơi đặt bức tượng đá được gọi là thác Bụt. Và hàng năm, cứ đến rằm tháng ba âm lịch, người dân lại đến đây cúng Bụt cầu tự, cầu tài, cầu lộc và tổ chức lễ hội rằm tháng 3.
Phiên chợ se duyên
Hàng năm, vào dịp lễ hội rằm tháng 3, khi con gà sau vườn cất tiếng gáy cũng là lúc bà con các thôn, bản bắt đầu lên đường “hành quân” về trung tâm huyện đểt tham gia. Dịp này số lượng người về dự lễ hội nhiều nhất phải kể đến các tiểu thương và các nam thanh, nữ tú.
Nói rằm tháng 3 là lễ hội của người dân Minh Hóa thì chợ tình ngày rằm chính là ngày hội của các chàng trai, cô gái.
Đêm trước khi diễn ra phiên chợ, các chàng trai cô gái bản địa dập dìu dưới ánh trăng rằm, cùng nâng chén rượu và cất điệu hát hò thuốc (điệu hát của người Nguồn) giao duyên suốt đêm. Sau đêm giao duyên ấy nhiều cặp đôi đã nên vợ nên chồng, cùng xây những tổ ấm hạnh phúc.
Chị Trang (26 tuổi, ở huyện Quảng Trạch) là một trong số những người tìm được nửa còn lại của mình cũng vào dịp rằm tháng 3. Chị Trang chia sẻ: “Dịp rằm tháng 3 năm 2019, tôi cùng nhóm bạn rủ nhau lên huyện Minh Hóa dự lễ hội để tìm hiểu nét văn hóa bà con người Nguồn. Tại đây, chúng tôi lần đầu tiên được chơi nhiều trò chơi mang đậm bản sắc của thanh niên địa phương, được thưởng thức nhiều món ăn độc đáo.
Nhưng có lẽ điều ý nghĩa nhất là tôi đã tìm được một nửa của đời mình. Trong phiên chợ tình năm 2019, nhóm chúng tôi đã có cơ hội giao lưu cùng nhóm thanh niên địa phương. Trong nhóm các chàng trai ấy, tôi ấn tượng với một chàng trai với vẻ ngoài rắn rỏi, ít nói. Sau 2 năm tìm hiểu, đến giữa năm 2020 chúng tôi đã quyết định về chung một nhà”.
Trước đó và cả sau này, không chỉ chị Trang mà còn có nhiều cặp trai gái nên nghĩa vợ chồng từ phiên chợ tình trong lễ hội rằm tháng 3 Minh Hóa.
Đến nay, lễ hội rằm tháng 3 không chỉ là ngày hội của bà con huyện Minh Hóa, mà đó còn là ngày hội của thực khách có duyên và yêu mến mảnh đất này.
Ông Đinh Văn Lĩnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, từ ngày tái lập huyện Minh Hoá (1/7/1990) đến nay, lễ hội rằm tháng 3 đã được tổ chức khá bài bản, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống cũng như phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người dân trong toàn huyện. Đến năm 2004, Hội rằm tháng 3 truyền thống của Minh Hoá đã được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận là lễ hội văn hoá truyền thống cấp tỉnh và được tổ chức thành tuần lễ.