Các vụ ngộ độc tập thể liên tiếp xảy ra
Thông tin từ Bộ Y tế, trong tháng 3/2024, cả nước xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 368 người bị ngộ độc. Tính chung quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm (giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm 2023) làm 659 người bị ngộ độc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 3 người tử vong.
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chỉ ra nguyên nhân chính là do thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy - hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ.
Thêm vào đó, quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm chưa đúng cách, cùng với ý thức chấp hành quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến chưa nghiêm…
Điển hình là vụ ngộ độc xảy ra trong tháng 3/2024 tại quán cơm gà Trâm Anh (TP. Nha Trang) khiến 369 người phải đến các cơ sở y tế thăm khám, điều trị. Sau khi vụ việc xảy ra, dù nỗ lực nhưng cơ quan chức năng cũng không tìm ra được món ăn gây ngộ độc.
Theo các chuyên gia, trường hợp tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thường do vi khuẩn Salmonella, Botulinum, E. Coli, Campylobacter, Listeria... gây ra.
Cụ thể, vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy; vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn; vi khuẩn Staphylococcus aureus gây mủ ở vết thương; vi khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh tả…
Trong đó, ngộ độc thực phẩm do loại trực khuẩn Clostridium botulinum gây ra là đáng sợ hơn cả. Đây là loại vi khuẩn kỵ khí (phát triển không cần ô xy), tồn tại ở thực phẩm đóng hộp không được bảo quản đúng tiêu chuẩn. Clostridium botulinum có ngoại độc tố cực mạnh, đặc biệt ảnh hưởng rất xấu đến hệ thần kinh, có thể gây tử vong.
Trời nóng khiến thức ăn nhanh hỏng, dễ bị ôi thiu nếu không được bảo quản đúng cách. Trong khoảng 32-43 độ C, vi khuẩn phát triển nhanh nhất, có thể nhân đôi chỉ sau 20 phút. Ngoài ra, khi hè tới, thức ăn đường phố cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc cao. Vậy nhưng, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trên phố các quầy bán thức ăn nhanh với đủ loại xúc xích, thịt nướng, thịt viên chiên, nem chua rán; các loại nước uống đóng chai hoặc tự chế biến như nước ép, sữa hạt… Các loại thực phẩm, nước giải khát này thường có giá rẻ, nhưng quy trình chế biến của chúng thường không được đảm bảo; nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng không rõ ràng.
TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - cho biết: Nguyên nhân chính là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách; nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, thực phẩm không qua gia nhiệt, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá tăng cao ở cả gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, du lịch…
Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), nguy cơ bị ôi thiu hoặc vi khuẩn gây bệnh xâm nhập rất cao ở các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật, có nhiều dầu, đạm như thịt, cá, hải sản, sữa.
Ngộ độc cũng thường xảy ra khi ăn thực phẩm chưa được nấu chín như rau quả sống, sushi, nem chua. Các bác sỹ cũng khuyên mọi người lưu ý khi dùng thực phẩm bảo quản trong hộp, chai, lọ đóng kín như dưa cải muối chua; thịt, cá đóng hộp vì có nguy cơ xảy ra ngộ độc do vi khuẩn kỵ khí Clostridium botulinum.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra
Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. Đà Nẵng, Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan trên địa bàn, chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đặc biệt thời gian từ tháng 4 đến tháng 8.
Các địa phương cần chú ý ngộ độc do nấm độc vào mùa xuân - hè, ngộ độc do các loại động, thực vật có chứa độc tố tự nhiên (nhất là các tỉnh/thành phố khu vực miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên).
Cùng với đó, chú ý ngộ độc do các loại thủy, hải sản có chứa độc tố tự nhiên như cá nóc, so biển, ốc biển lạ, nhất là ở các tỉnh, thành phố ven biển.
Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị, ngành y tế và cơ quan chức năng các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình. Chú ý các biện pháp giám sát, hướng dẫn phù hợp đối với dịch vụ nấu ăn lưu động, các bữa ăn liên hoan, tiệc cưới, đám giỗ đông người trên địa bàn quản lý.
Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (thuộc đối tượng phải cấp).
Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng.