PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, hiện nay, số lượng tiểu cầu vẫn đáp ứng đủ nhưng số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng đã gây áp lực lên công tác cung ứng máu phục vụ cấp cứu điều trị. Đặc biệt, những bệnh nhân nhập viện muộn, bị sốc sốt xuất huyết rất cần truyền tiểu cầu - một chế phẩm máu đặc biệt.
Theo đó, Ban tổ chức Chủ Nhật Đỏ kêu gọi những người đủ điều kiện sức khỏe hãy tích cực tham gia hiến tiểu cầu. Ngày hội Chủ Nhật Đỏ lần thứ XV với thông điệp "Hiến máu cứu người - Sinh mệnh của bạn và tôi" được chính thức phát động tại Đại học Bách khoa ngày 18/12, tuy nhiên, từ tháng 11 đến nay, chương trình đã được hưởng ứng và tổ chức tại 6 tỉnh, thành với 9 điểm hiến máu, tiếp nhận gần 5.000 đơn vị máu.
Chủ Nhật Đỏ lần thứ XV có sự vào cuộc, tham gia của 40 tỉnh, thành phố trong cả nước, chương trình kéo dài đến tháng 2/2023, dự kiến tiếp nhận 45.000 - 50.000 đơn vị máu cho cấp cứu và điều trị dịp cuối năm, trước và sau Tết Nguyên đán.
PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Huyết học và Truyền máu Trung ương khẳng định, chương trình hiến máu Chủ nhật Đỏ 15 năm qua đã tạo nên được nhiều dấu ấn vào những lúc khó khăn nhất (thời tiết lạnh giá nhất, công việc cuối năm bề bộn nhất…), nhờ đó đã giúp ngành y tế vơi bớt nỗi lo thiếu máu, giúp người bệnh cần máu giữ được sinh mệnh quý giá.
"Năm nay, trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết vẫn đang rất phức tạp với nhiều ca bệnh nặng. Hiện nay, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cung cấp đủ số lượng tiểu cầu cho các bệnh viện ở miền Bắc. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nên chúng tôi mong muốn và kêu gọi người dân hiến máu, đặc biệt là hiến tiểu cầu để phục vụ điều trị dịp Tết và sau Tết", PGS.TS Nguyễn Hà Thanh nhấn mạnh.
Theo Bộ Y tế, trong những tháng gần đây, số mắc sốt xuất huyết vẫn tiếp tục gia tăng trên cả nước, đặc biệt tại khu vực miền Bắc và khu vực miền Trung, trong đó các địa phương ghi nhận số mắc liên tục tăng cao trong các tuần gần đây là Hà Nội, Quảng Nam, Quảng Bình, Bình Thuận.
Do dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh và gia tăng sự giao lưu, đi lại của người dân sau dịch COVID-19, ngoài ra ý thức của người dân trong chủ động phòng chống dịch chưa cao, qua kiểm tra giám sát vẫn còn phát hiện nhiều ổ bọ gậy, lăng quăng trong hộ gia đình, khu dân cư.
Bộ Y tế cũng dự báo trong thời gian tới tình hình sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm tập trung chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai ngay chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy.
Thống kê về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết của các địa phương cho thấy tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận gần 336.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó, hơn 120 người đã tử vong.
Tại Hà Nội, trong những tuần qua, số mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố tiếp tục gia tăng. Các chuyên gia y tế cho rằng, Hà Nội đã đón đợt rét đầu tiên của mùa đông, do đó, người dân cho rằng, muỗi sẽ không hoạt động khi trời lạnh nên bỏ qua việc diệt bọ gậy, phòng muỗi đốt… Tuy nhiên, dù nhiệt độ miền Bắc đang giảm nhưng chưa đủ để hạn chế sự hoạt động của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết.
Tại TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, dù tình hình bệnh sốt xuất huyết có xu hướng giảm, nhưng với đặc điểm thời tiết mưa nắng thất thường, người dân vẫn cần cảnh giác cao với bệnh. Hằng tuần vẫn cần thực hiện các biện pháp triệt nơi sinh sản của muỗi tại nơi làm việc và nơi cư trú.
Theo VOV