Ngăn chặn, đẩy lùi tác hại của rượu, bia đối với đời sống xã hội

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100-NÐ/CP của Chính phủ triển khai đã đáp ứng đúng đòi hỏi của tình hình và nguyện vọng của người dân về ngăn chặn, đẩy lùi tác hại của rượu, bia đối với đời sống xã hội, qua đó bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Những năm qua, nước ta đã trở thành một trong những nước tiêu thụ rượu bia tốp đầu của thế giới. Trong những ngày xuân, rượu bia là thức uống truyền thống gần như không thể thiếu và trở thành một phần của văn hóa Tết. Thói quen "gặp nhau lần nào cũng rượu" trong ngày Tết và sở thích ép nhau uống rượu để đánh giá "phong độ"… đã tồn tại từ lâu, khó thay đổi trong một sớm một chiều, hay giải quyết qua một vài chiến dịch.

Trong hoàn cảnh hiện tại, khi nhận thức chưa đủ mạnh để thay đổi hành vi thì việc sử dụng những biện pháp cưỡng chế đặc biệt nghiêm khắc là cần thiết. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng hình thức phạt tù giam, tịch thu phương tiện với người lái xe sau khi uống rượu. Nếu lái xe là người nước ngoài vi phạm, thậm chí bị trục xuất. Chỉ khi có chế tài nghiêm khắc, người điều khiển phương tiện mới không dám vi phạm. Lực lượng thực thi công vụ, xử phạt cũng phải nghiêm túc, không được phép nể nang hay "thông cảm có điều kiện". Một số thành phố lớn ở các quốc gia tiến bộ cũng chỉ cho phép bán rượu bia trong một số khung giờ nhất định, không bán cho người dưới 18 tuổi. Ðây cũng là một kinh nghiệm hay để các cơ quan quản lý tham khảo, vận dụng phù hợp.

Trước đây, một số nhà hàng, quán nhậu ở Hà Nội đã thực hiện việc đặt máy đo nồng độ cồn, nếu quá ngưỡng cho phép, sẽ có phương tiện ta-xi, xe buýt hoặc xe ôm chở về nhà, tuy nhiên sau đó, do các chế tài không đồng bộ, cách làm này đã bị bỏ lửng, rất đáng tiếc. Việc hạn chế TNGT do uống rượu bia trong những ngày Tết chỉ có thể thực hiện được bằng chính ý thức của người lái xe. Nếu không muốn uống, có lẽ không ai có thể ép mình trong những ngày vui.

Chén rượu trong những bữa tiệc đón Tết, mừng Xuân lâu nay vẫn được coi là một phần không thể thiếu trong văn hóa của người dân. Nhưng niềm vui của một người phải gắn trách nhiệm và tình cảm với gia đình, cộng đồng, đừng để quá đà, mải mê trên bàn nhậu dẫn đến việc rượu bia "điều khiển" bản thân. Mỗi người phải tự ý thức tiết chế sử dụng rượu bia, tránh gây những hệ lụy cho người thân và xã hội.

Theo thống kê, hàng năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 2,7 tỷ lít bia và 350 triệu lít rượu. Và hiện nay, bình quân mỗi ngày, nước ta có khoảng 20 người chết do TNGT. Mặc dù quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn đã được đưa vào Luật Giao thông đường bộ, tuy nhiên, việc tuyên truyền, phòng, chống vi phạm nồng độ cồn hiệu quả chưa cao do thói quen uống rượu bia của người dân khá phổ biến.

Từ những vấn đề trên các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100-NÐ/CP của Chính phủ triển khai đã đáp ứng đúng đòi hỏi của tình hình và nguyện vọng của người dân về ngăn chặn, đẩy lùi tác hại của rượu, bia đối với đời sống xã hội, qua đó bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

ruou-bia-1570177784-width1200height800
Cần ngăn chặn, đẩy lùi tác hại của rượu, bia đối với đời sống xã hội

Ðể sử dụng rượu, bia trở thành nếp văn hóa lành mạnh, phù hợp cuộc sống, các cơ quan chức năng bên cạnh áp dụng các biện pháp chế tài xử lý nghiêm, cần triển khai đồng bộ, kiên trì và hiệu quả các biện pháp tuyên truyền. Theo từng đối tượng, các giải pháp cần có những cách làm khác nhau, phù hợp. Ðối với giới trẻ là học sinh, sinh viên cần tuyên truyền cụ thể tác hại của rượu, bia ảnh hưởng đến sức khỏe và trách nhiệm đối với cộng đồng khi tham gia giao thông. Ðối với người lớn, có thể đánh mạnh vào túi tiền của họ để khiến họ phải cân nhắc trước khi quyết định uống rượu, bia.

Thực tế cho thấy, nhiều chủ trương, quy định dù rất thiết thực, có giá trị thực tiễn cao nhưng khi triển khai chỉ thực hiện theo đợt, phong trào dẫn đến hiệu quả thấp, dễ bị "chìm" bởi những thói quen xấu của một bộ phận người dân.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong, mục tiêu của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là giúp cho người dân thay đổi hành vi, nhận thức. Nghị định 100 với những chế tài tăng mức phạt so với trước đây, đánh vào kinh tế của từng người đã góp phần thay đổi ngay lập tức nhận thức của người dân.

Tết Nguyên đán 2020, khi Nghị định 100 có hiệu lực, là cái Tết ảm đạm của ngành rượu bia, mọi người không còn lạm dụng rượu, bia nữa. Rõ ràng, Nghị định 100 đã tác động làm thay đổi nhận thức của người Việt Nam trong sử dụng rượu, bia. Điều đó thể hiện qua 3 việc, “uống có trách nhiệm”, “sản xuất có trách nhiệm”, “buôn bán có trách nhiệm”. Hơn nữa, các ngành chức năng phải ban hành thêm nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện và các giải pháp phòng ngừa đi theo cho đồng bộ. Gần đây nhất, pháp luật đã có quy định xử phạt đối với người có hành vi lôi kéo người khác uống rượu. Thông điệp thay đổi nhận thức, hành vi của người dân của chúng ta đã thành công, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định.

Hồng Ninh (T/H)